Các ngân hàng OCB, Agribank, VietinBank… thời gian gần đây đã rao bán khoản nợ nghìn tỷ đồng của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Thanh Hoá và loạt bất động sản khách sạn, homestay khác.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới đây thông báo đấu giá tài sản gắn liền với đất thuộc khu đô thị du lịch sinh thái FLC, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tài sản đấu giá bán chung toàn bộ, không bán riêng lẻ. Mức khởi điểm ngân hàng đưa ra là gần 550 tỷ đồng, đặt cọc trước gần 27.5 tỷ đồng khi tham gia đấu giá.

Ảnh minh hoạ.

Vào ngày 11/9 trước đó, OCB cũng đã thông báo đấu giá tài sản trên với giá khởi điểm hơn 610.4 tỷ đồng. Như vậy trong lần đấu giá này, mức khởi điểm đã giảm 60 tỷ đồng. Được biết, tài sản đấu giá gồm 84 biệt thự nghỉ dưỡng thấp tầng tại khu đô thị du lịch sinh thái FLC của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tại phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Mục đích sử dụng xây dựng resort, thời hạn sử dụng đến 9/5/2064.

Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn được UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 8/2014, với quy mô 200 ha.

Còn Ngân hàng OCB là một trong những chủ nợ lớn của Tập đoàn FLC. Tại ngày 31/3/2022, FLC vay OCB hơn 713 tỷ đồng ngắn hạn và 818 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu.

Từ năm 2020, FLC đã sử dụng toà tháp văn phòng 265 Cầu Giấy để gán nợ thay thế cho nghĩa vụ của Tập đoàn FLC, FLCHomes, Xây dựng FLC Faros, FLC Stone và Bamboo Airways tại OCB.

Thời gian gần đây, một ngân hàng khác là Agribank cũng liên tục rao bán các khoản nợ thế chấp bằng loạt dự án nghỉ dưỡng.

Agribank Chi nhánh Đống Đa ngày 4/10 thông báo bán đấu giá lần 2 khoản nợ của Công ty Cổ phần Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) – chủ đầu tư dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia (Swisstouches La Luna Resort) tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của doanh nghiệp này là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đấu giá gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc Dự án “Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia – Khu B” tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang. Giá khởi điểm cho khoản nợ lần này là gần 1.031 tỷ đồng, giảm hơn 110 tỷ đồng so với lần rao bán hồi tháng 9.

Trung Tâm Bến Du thuyền Hoàng Gia bao gồm các khách sạn, condotel, resort nghỉ dưỡng cao cấp... được xây dựng tại "khu đất vàng" của thành phố biển Nha Trang. Dự án này dự kiến bàn giao cho khách hàng từ cuối 2019 nhưng tới nay đã chậm tiến độ hơn 3 năm.

Ngoài khoản nợ nghìn tỷ của Marina Hotel, Agribank cũng đang siết nợ 7 doanh nghiệp với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng, được thế chấp bằng các bất động sản thuộc Tổ hợp du lịch, giải trí tại Phú Quốc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng này do chủ đầu tư là Tập đoàn Tân Hoàng Minh khởi công từ cuối 2021 với tổng mức đầu tư 24.000 tỷ đồng bao gồm tòa căn hộ khách sạn, hệ thống resort, hệ thống shophouse, biệt thự...

Bên cạnh đó, Agribank cũng đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tân Hoàng Minh với giá khởi điểm 281 tỷ đồng.

Ngoài các bất động sản du lịch "khủng" này, nhà băng 100% vốn nhà nước cũng thông báo đấu giá gần 20 tài sản là quyền sử dụng đất và nhà nghỉ tại thành phố du lịch Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Tại Hội An, VietinBank cũng rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản khác nhau, phân khúc phổ biến là các khách sạn 3-4 sao, homestay và biệt thự với giá bán từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng.

Trong đó có hai khách sạn 4 sao với quy mô 98-104 phòng được VietinBank chào đồng giá 420 tỷ đồng cho mỗi bất động sản. Ngoài ra, nhà băng này cũng siết nợ hàng loạt khách sạn 4-5 sao, homestay, biệt thự tại các thành phố du lịch khác như Đà Nẵng, Nha Trang...

Đơn cử tại Đà Nẵng có một khách sạn 5 sao xây dựng trên diện tích hơn 1.200 m2, quy mô 236 phòng, được VietinBank chào bán với giá 600 tỷ đồng.

Thị trường bất động sản gặp khó, theo nhận định của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) sẽ khiến hoạt động xử lý nợ xấu gặp khó khăn khi bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và thanh khoản thị trường bất động sản vẫn ế ẩm, tỷ lệ nợ xấu của phần lớn ngân hàng đều dâng lên trong nửa đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu (không kể các khoản phải thu, cho vay công ty con) tại Agribank tăng từ 1,81% hồi đầu năm lên 2,09% vào cuối tháng 6. Tại Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,68% lên 0,82%. Tại BIDV, nợ xấu từ 1,12% tổng dư nợ hồi đầu năm cũng tăng lên 1,57%...

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.