Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng vốn điều lệ đợt 1 năm 2021. Cụ thể, OCB được phép tăng vốn điều lệ tối đa thêm gần 2.740 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, tương đương gần 274 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành thêm.
Trước đó, ĐHĐCĐ 2021 cũng xem xét thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 14.449 tỷ đồng, tương đương tăng 32%. Việc tăng vốn dự kiến được thực hiện qua ba hình thức: phát hành gần 274 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%; bán ra khoảng 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP và chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Năm 2020, ngân hàng này đã thực hiện thành công tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng bằng phát hành riêng lẻ cho đối tác ngoại Aozora Bank đến từ Nhật Bản.
Kết thúc quý I/2021, lợi nhuận trước thuế OCB đạt 1.276 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 23% kế hoạch năm; tổng tài sản đạt 160.297 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cuối 2020.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/6, giá cổ phiếu OCB tăng mạnh 5,7% so với phiên trước, lên 31.550 đồng/cổ phiếu.
-
Cổ phiếu Ngân hàng Phương đông OCB – nên mua hay không?
CafeLand - Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) bắt đầu niêm yết trên sàn GDCK TP. HCM (HOSE) vào ngày 28/01/2021, với giá niêm yết phiên đầu tiên 22.900 đồng/cổ phiếú. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng khả năng tăng giá cho OCB phụ thuộc vào bối cảnh vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực về chất lượng tín dụng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và kỳ vọng vào nguồn vốn dồi dào của OCB sẽ hỗ trợ ngân hàng tiếp tục tăng trưởng cao trong những năm tới.