03/02/2021 4:34 PM
CafeLand - Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) bắt đầu niêm yết trên sàn GDCK TP. HCM (HOSE) vào ngày 28/01/2021, với giá niêm yết phiên đầu tiên 22.900 đồng/cổ phiếú. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng khả năng tăng giá cho OCB phụ thuộc vào bối cảnh vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực về chất lượng tín dụng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và kỳ vọng vào nguồn vốn dồi dào của OCB sẽ hỗ trợ ngân hàng tiếp tục tăng trưởng cao trong những năm tới.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông được thành lập vào tháng 06/1996, với vốn điều lệ ban đầu là 70 tỷ đồng. OCB hiện đã có 134 đơn vị kinh doanh với vốn điều lệ đạt trên 10 nghìn tỷ đồng.

OCB có quy mô nhỏ tính theo quy mô với tổng tài sản đạt 133 nghìn tỷ đồng so với mức 193 nghìn tỷ đồng tài sản của TPBank (TPB) tính đến quý 3/2020.

Tỷ trọng dư nợ vay của OCB là khá tương đồng với HDBank (HDB) do sự tập trung cao vào khách hàng bán lẻ và các doanh nghiệp SME siêu nhỏ, chiếm lần lượt 33% và 41% dư nợ vay quý 3/2020.

Ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ với lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch tại ĐHCĐ thường niên 2020. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA – Return on Total Asset) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE – Return on Equity) năm 2020 đạt lần lượt 24,4% và 2,60%.

Ban lãnh đạo đặt mục tiêu tổng tài sản ngân hàng sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2019 vào năm 2025 với tăng trưởng tín dụng và huy động hàng năm dự kiến đạt 20%. ROE và ROA đạt lần lượt ít nhất 20% và 2%.

“OCB dường như đã vượt qua được giới hạn quy mô nhỏ để ghi nhận tỷ lệ ROE thuộc nhóm cao nhất trong danh mục theo dõi của chúng tôi; tuy nhiên, diễn biến này có sự phụ thuộc lớn vào giao dịch trái phiếu Chính phủ từ những năm 2018”, đánh giá từ Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết.

Theo VCSC, ROE trong 9 tháng 2020 của OCB có thể giảm 650 điểm cơ bản còn 13,1% nếu như không bao gồm thu nhập từ kinh doanh chứng khoán đầu tư. Như vậy, ROE sau điều chỉnh của OCB xuống cùng mức với nhóm hai ngân hàng BIDV (BID) và SacomBank (STB). VCSC dự phóng lợi suất trái phiếu chính phụ sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2021 và điều này sẽ không hỗ trợ cho sự tăng trưởng bền vững trong thu nhập từ giao dịch chứng khoán đầu tại OCB.

Cơ cấu huy động hiện tại thách thức OCB trong khả năng gia tăng tính cạnh tranh của chi phí vốn. Cho vay cho các doanh nghiệp nhỏ trong phân khúc SME và bán có thể đảm bảo cho lợi suất tài sản sinh lãi (IEA) cao cho OCB. Tuy nhiên, theo VCSC, nguồn huy động của OCB phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp SME và doanh nghiệp lớn (chiếm 41,8% tổng huy động) làm gia tăng chi phí vốn trong bối cảnh OCB có sơ sở khách hàng SME với thu nhập cao thấp hơn so với ACB để cải thiện tỷ lệ CASA (tỷ lệ CASA của OCB đạt 11,4% so với trung vị ngành là 17,3% tính đến quý 3/2020). Ban lãnh đạo đặt kế hoạch tăng trưởng tài sản 21% hàng năm giai đoạn 2021-2025, chúng tôi kỳ vọng OCB sẽ tiếp tục phụ thuộc vào huy động từ doanh nghiệp và giấy tờ có giá.

VCSC đánh giá, thu nhập phí thuần (NFI) của OCB vẫn có dư địa tăng trưởng. Khi ngân hàng ghi nhận NFI thuần/tổng thu nhập từ HĐKD (TOI) đạt 10,4% trong 9 tháng 2020 – mức tương đương trung vị ngành. Tuy nhiên, với việc tiếp tục đầu tư vào fintech và hợp tác độc quyền với Generali để phân phối bancasurrance kể từ 2019, VCSC cho rằng NFI là điểm sáng.

Cũng theo VCSC, tỷ lệ nợ xấu của OCB cao hơn trung bình các ngân hàng trong danh mục theo dõi trong bối cảnh có danh mục cho vay tập trung nhiều vào nhóm các doanh nghiệp SME nhỏ.; Trong khi đó tất cả số dư VAMC đã được xử lý. Tỷ lệ nợ xấu quý 3/2020 của OCB đạt 2,15%, tăng nhẹ từ mực 1,84% tính đến cuối 2019 và xếp thứ 2 trong nhóm các ngân hàng trong danh mục theo dõi của VCSC trong quý 3/2020 – chỉ xếp sau VPBank (VPB).

Với mức định giá khi niêm yết phiên đầu tiên khá gần với trung vị định giá của nhóm các ngân hàng tư nhân khác. VCSC cho rằng khả năng tăng giá của OCB phụ thuộc vào bối cảnh vĩ mô của Việt Nam. Về cơ bản nguồn vốn dồi dào của OCB sẽ hỗ trợ ngân hàng tiếp tục tăng trưởng cao trong những năm tới.

Trường Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.