Chỉ thị 01: Sức ép tái cơ cấu và sáp nhập
Đúng như định hướng đã được thông tin từ cuối năm trước, ngày 13/2 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012. Trong đó, chính thức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhóm ngân hàng. Trong đó, nhóm 4 (yếu kém) không được tăng trưởng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là một biện pháp rất đáng chú ý. Nó sẽ gây sức ép để dẫn đến tái cơ cấu và sáp nhập.
Điều này cũng dễ hiểu bởi các ngân hàng bị liệt vào nhóm 4 vốn đã yếu kém sẽ càng gặp khó khăn hơn. Lợi nhuận các ngân hàng này phụ thuộc phần lớn vào hoạt động đi vay và cho vay nhưng giờ không được tăng trưởng tín dụng coi như khó có lãi.
Khó khăn mới đặt trong bối cảnh nhiều ngân hàng thiếu, thậm chí có thời điểm mất thanh khoản trong hơn nửa năm qua và nhiều ngân hàng vẫn đang đối mặt với tỷ trọng nợ xấu cao và tình trạng mất cân bằng cấu trúc vốn, chưa có lối thoát.
Ngay sau Chỉ thị 01, trên thị trường đã rấy lên làn sóng đồn đoán và nhận diện các ngân hàng thuộc nhóm được coi gặp vận hạn và sẽ rơi vào tầm tái cấu trúc, sáp nhập đầu tiên sau bộ 3 Ficombank, TinNghiabank và SCB sáp nhập hồi đầu tháng 12/2011.
Làn sóng tin đồn
Sự đồn đoán bắt đầu rộ lên sau khi Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, trong nhóm 4 có ít nhất: mươi tổ chức yếu kém, vi phạm, có nguy cơ đổ vỡ nhưng lại không thể công bố.
Có lẽ đã lường được điều này mà ngay sau khi có chỉ tiêu tín dụng, đã có hàng loạt ngân hàng lên tiếng để tự khẳng định mình. Tất cả đều khoe mình ở nhóm 1, nhóm 2 nhưng tuyệt nhiên không thấy ai lên tiếng nhóm 4. Và có vẻ ai cũng không dám nhận mình là yếu kém.
Nhưng sự lảng tránh lại chính là nguồn cơn cho mọi đồn đoán. Trên các diễn đàn, sự đồn đoán và nhận diện nhóm 4 khá sôi động. Trên một diễn đàn chứng khoán khá nổi tiếng tại Hà Nội, một số thành viên tung lên một số "gương mặt" do họ tự đánh giá hoặc tìm kiếm ở một số nguồn khác đưa lên.
Trong đó, nổi bật nhất là danh sách một nhóm gồm tên mười ngân hàng mà một nhà đầu tư cho rằng thuộc diện yếu kém với các tên tiếng Việt bắt đầu như: Ph., Đ., B., D., T., Na., S., Na., Nh.
Tìm kiếm trên google, không mấy khó khăn có thể lấy lại được danh sách này trên một số diễn đàn tiếng Việt có server đặt ở nước ngoài và có nguồn gốc từ một trang dự đoán kinh tế của Mỹ.
Bên cạnh đó, trên diễn đàn chứng khoán nói trên cũng tồn tại một số cái tên được đề cập đến khác như B., M., P. và thậm chí những cái tên rất lớn như N. Trên các trang khác, giới đầu tư đồn thổi về hai ngân hàng tại Hà Nội là P. và G. và số còn lại là trong TP.HCM.
Theo những người này, xếp hạng thì NHNN chắc chắn đã có. Các ngân hàng có mỗi việc đi vay và cho vay mà giờ cấm tăng trưởng tín dụng coi như tuyên án tử. Việc lên hạng sẽ là viển vông bởi vì mới chỉ cào bằng về lãi suất các ngân hàng này đã "chết", huống chi giờ lại bị bóp hẹp hoạt động so với các ngân hàng chiếu trên. Việc cấp quota tín dụng thông qua xếp hạng đợt này nghe không thuận lắm. Có thể một số đơn vị yếu quá sẽ bị loại bỏ nhưng cái lợi là: thà đau một lần rồi thôi.
Sự minh bạch và tin đồn
Nhìn vào bảng danh sách nói trên, có thể thấy hầu hết các ngân hàng được đồn đoán vào nhóm 4 là các ngân hàng nhỏ. Chưa biết đúng sai như thế nào nhưng sự lộn xộn và vô căn cứ đã cho thấy rõ ràng đó không phải là danh sách của NHNN bị lọt ra ngoài.
Những đồn đoán có thể do tò mò, có thể để tạo chủ đề câu khách nhưng cũng có thể do một số người tranh thủ cơ hội để kích động hoặc động cơ lợi nhuận bất chính.
Còn nhớ, gần chục năm trước đây, tin đồn về tổng giám đốc ACB bỏ trốn đã gây nên một tâm lý hoang mang, hốt hoảng trên diện rộng. Khách hàng đã ồ ạt rút tiền và cuối cùng đích thân thống đốc bấy giờ là Lê Đức Thúy đã phải đến ACB để bác bỏ tin đồn.
Trên thị trường chứng khoán, những tin đồn trong nhiều năm qua cũng đã gây tác động và thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư.
Với những đồn đoán vụ "ngân hàng nhóm 4", mặc dù chưa thấy có ảnh hưởng nào rõ ràng nhưng chắc chắn sẽ có phần tác động tới hoạt động của một số ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng hoạt động tốt.
Một số ngân hàng thuộc nhóm áp chót (nhóm 3) có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi sau thông tin "có mươi tổ chức yếu kém, vi phạm, có nguy cơ đổ vỡ", nhiều người dân thận trọng có thể rút tiền chuyển sang ngân hàng lớn hơn. Mặc dù vậy, có thể thấy tin đồn chỉ thường xuất hiện trong môi trường mà tính minh bạch không thực sự cao.
Một điều đơn giản là cái gì càng bí mật thì người ta càng tò mò. Hơn thế, liên quan tới ngân hàng là liên quan tới túi tiền của nhiều người. Việc thận trọng cũng là tất yếu.
Trên thực tế, việc không công khai danh sách cụ thể những ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ có thể là hợp lý để tránh phản ứng tiêu cực của thị trường, ảnh hưởng tới toàn hệ thống tài chính. Các thông tin này thực sự nhạy cảm và liên quan đến sự tồn vong của cả nhóm.
Đây là lý do chính để NHNN không công bố.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc phân loại là hợp lý. Nó có ý nghĩa để hỗ trợ việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Nhưng để làm được việc đó, cần phải có sự đánh giá, phải có tiêu chí về công khai minh bạch, và khi xác định rõ tái cấu trúc rồi thì các ngân hàng thương mại cần đáp ứng những tiêu chí gì, phải công khai minh bạch. Nếu không công bố thì không giúp ích gì cho việc giải quyết các ngân hàng yếu kém theo yêu cầu đề ra trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.