- Sau 3 năm Hong Leong Bank hoạt động tại Việt Nam, bà rút ra những điều gì về môi trường kinh doanh cũng như mức độ cạnh tranh trong ngành tài chính ngân hàng ở Việt Nam?
Bà Yvonne Chia, CEO tập đoàn Hong Leong Bank . |
- Thế giới đang trong giai đoạn suy thoái kinh tế và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Là một đối tác lâu dài, chúng tôi nhìn nhận sự suy thoái cũng là một cơ hội tốt cho các nhà đầu tư ngoại phát triển, mở rộng thị phần.
Riêng về lĩnh vực tài chính ngân hàng, hiện nay có khá nhiều nhà băng trong và ngoài nước đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi thì nhu cầu của khách hàng vẫn chưa được thỏa mãn mặc dù số lượng các tổ chức tín dụng và chi nhánh khá nhiều. Vì vậy cơ hội cho các ngân hàng vẫn tồn tại song song với sự cạnh tranh.
- Cơ hội của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam hiện nay là gì?
- Ngành ngân hàng tại Việt Nam đang trong giai đoạn cần tái cấu trúc. Một hệ thống ngân hàng vững mạnh và sôi động hơn sẽ được thiết lập nhờ sự quản lý kinh tế vĩ mô và kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khởi xướng.
Nhìn chung, trong thời gian qua, cơ quan này đã thực hiện tốt vai trò của mình bằng cách khuyến khích các ngân hàng tăng vốn và bơm tiền vào thị trường. Tuy nhiên, một môi trường cạnh tranh tự do, minh bạch và ổn định sẽ khuyến khích sự phát triển của ngành ngân hàng và gia tăng sự vận dụng các kinh nghiệm quốc tế tiên tiến. Các yếu tố vừa nêu cũng giúp tạo ra một sân chơi đồng đều cho các ngân hàng.
- Môi trường vĩ mô của Việt Nam hiện vẫn chưa thực sự ổn định, tăng trưởng lại đang có dấu hiệu chậm lại. Vậy điều gì ở thị trường Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư ngoại nói chung và Ngân hàng Hong Leong nói riêng?
- Các nhà đầu tư có tầm nhìn khác nhau về rủi ro và lợi nhuận. Cho nên khó có thể quy về những lý do chung tại sao các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, phần lớn nhà đầu tư đang nhìn trước được tiềm năng lâu dài của Việt Nam, sự tin tưởng vào các biện pháp được thực hiện nhằm phục hồi nền kinh tế của Chính phủ.
Riêng Ngân hàng Hong Leong đã cam kết sẽ phát triển thành công tại Việt Nam. Sự cam kết này đòi hỏi chúng tôi phải có một tầm nhìn lâu dài để vượt qua những khó khăn hiện tại. Chúng tôi tập trung vào việc mang lại nhiều lợi ích về tài chính cho khách hàng. Nguồn nhân lực trẻ, năng động và có trình độ tại Việt Nam là động lực để chúng tôi xây dựng hệ thống ngân hàng tại đây.
- Thông qua vấn đề lãi suất, bà nhìn nhận như thế nào về tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay?
- Nhu cầu thị trường ảnh hưởng đến lãi suất nhưng sự can thiệp của Chính phủ trong một số tình huống sẽ rất cần thiết để đảm bảo sự ổn định. Ngân hàng nhà nước Việt Nam đang xử lý tốt vấn đề thanh khoản, lãi suất và tỷ giá. Đây là minh chứng cho các chỉ số kinh tế vĩ mô khả quan của Việt Nam. Bản thân Hong Leong Bank Việt Nam không chịu bất cứ ảnh hưởng nào từ vấn đề thanh khoản.
- Theo bà, những biện pháp nào có thể giải quyết và xử lý dứt điểm nợ xấu của các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay?
- Trước hết, cần nhanh chóng củng cố hệ thống ngân hàng, phục hồi niềm tin đối với khách hàng. Riêng nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam ở mức cao và đáng báo động. Do đó, cơ quan chức năng cần có sự minh bạch và áp dụng các chuẩn thống nhất để đo sức khỏe thật sự của các định chế tài chính, sau đó, cần thiết lập tổ chức quản lý nợ xấu quốc gia nếu cần thiết.
- Bà có thể chia sẻ những biện pháp xử lý vấn đề nợ xấu hiệu quả trên thế giới?
- Ở các quốc gia khác, nhiều tổ chức được dựng ra để “ngăn chặn” nợ xấu, giúp các ngân hàng chú trọng vào việc phát triển các danh mục đầu tư một cách hiệu quả hơn là xử lý nợ xấu.
Sự minh bạch và các quy tắc chuẩn mực trong việc ghi nhận, theo dõi và báo cáo nợ xấu là rất cần thiết và là bước đầu tiên cho giải pháp về vấn đề nợ xấu ở đây.