15/07/2025 8:02 AM
Không những chưa giải quyết được những bất cập của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về kinh doanh vàng miếng, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định này bất ngờ bổ sung đối tượng được tham gia sản xuất vàng miếng là các ngân hàng…

Vừa kinh doanh tiền, vừa kinh doanh vàng

Ngay trong phần mở đầu văn bản góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh vàng miếng (NĐ 24), Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) thẳng thắn cho rằng, Dự thảo Nghị định (sửa đổi) NĐ 24 chưa thực hiện được quan điểm đổi mới chính sách quản lý đối với thị trường vàng Việt nam theo kết luận của Tổng bí thư và nội dung Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 04/05/2025 của Bộ chính trị về phát triển kinh tế tư nhân tại mục III.2 "đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật bảo đảm nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế; giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính , cơ chế xin – cho, tư duy không quản được thì cấm.."

Theo đó, Dự thảo mới chỉ bổ sung đối tượng được tham gia sản xuất vàng miếng và một số điều kiện để doanh nghiệp (DN), tổ chức tín dụng (TCTD) được cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng; cũng như một số quy định liên quan trách nhiệm của DN, TCTD sản xuất vàng miếng.

"Như vậy, về thực chất Dự thảo Nghị định (sửa đổi) NĐ 24 chỉ mới bổ sung về đối tượng và điều kiện để được tham gia sản xuất vàng miếng mà chưa xử lý giải quyết được những bất cập của NĐ 24 về thị trường vàng", ông Đinh Nho Bảng, Chủ tịch VGTA thẳng thắn.

Agribank, một trong số ít các NHTM được kinh doanh vàng miếng. Ảnh" Agribank

Một trong những nội dung được VGTA đặc biệt nhấn mạnh là Dự thảo Nghị định bổ sung nhóm đối tượng được sản xuất, cung ứng vàng miếng gồm DN và TCTD.

VGTA đề nghị không nên bổ sung TCTD, đặc biệt là các ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia sản xuất kinh doanh (SXKD) vàng miếng. Bởi theo Luật Các TCTD năm 2024, NHTM không có chức năng nhiệm vụ sản xuất vàng; nhiệm vụ chính của các NHTM là kinh doanh tiền tệ (đặc biệt là hoạt động tín dụng) và cung ứng dịch vụ thanh toán.

"Nếu để các NHTM tham gia SXKD vàng miếng, các NHTM buộc phải sử dụng nguồn vốn khá lớn (đầu tư nhà xưởng, máy móc, đào tạo tay nghề nhân công) đầu tư vào lĩnh vực không thuộc chức năng, nhiệm vụ chính; ảnh hưởng đến nhiệm vụ trọng tâm của các TCTD giai đoạn 2025-2030 là cấp tín dụng, hỗ trợ vốn cho các DN SXKD để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nêu tại Nghị quyết 138/NQ-CP của Chính phủ …", VGTA lưu ý.

Ngoài ra, các NHTM không phải là Tổ chức chuyên sâu về SXKD vàng và lịch sử đã chứng minh các NHTM SXKD vàng miếng không hiệu quả như các Ngân hàng Agribank, Sacombank, ACB giai đoạn trước 2012. Trong đó, một số NHTM đã để lại hậu quả ngoài mong muốn kéo dài mà nhờ sự chỉ đạo quyết tâm hiệu quả của NHNN mới ổn định lại.

Ngân hàng nhà nước "vừa đá bóng, vừa thổi còi"

Không những bổ sung thêm chức năng cho các TCTD bằng Nghị định, Dự thảo còn quy định Ngân hàng nhà nước (NHNN) tổ chức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ (Khoản 2 Điều 1 Dự thảo)

Theo VGTA, NHNN Việt nam là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng; không phải là cơ quan SXKD vàng miếng.

"Nếu NHNN tham gia thương trường (tổ chức sản xuất vàng miếng) thì sẽ chịu sự quản lý của cơ quan nào? Và dẫn tới chồng chéo nhiệm vụ vừa thực hiện kinh doanh, vừa thực hiện quản lý nhà nước", Văn bản của VGTA đặt vấn đề.

Hơn nữa VGTA cho rằng, NĐ 24 là Nghị định về "quản lý hoạt động kinh doanh vàng"; do đó vai trò của NHNN là quản lý nhà nước chứ không nên tổ chức sản xuất vàng miếng như Dự thảo và không phù hợp quy định tại Luật NHNN. Việc NHNN sản xuất vàng miếng để can thiệp thị trường được điều chỉnh bởi Nghị định về quản lý dự trữ ngoại hối là phù hợp, hợp lý hơn.

"Nếu NHNN tham gia sản xuất cung ứng vàng miếng, chắc chắn càng tác động tạo tâm lý thu hút người dân, nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào vàng miếng mang thương hiệu NHNN Việt nam rất dễ đem lại hậu quả tương tự như trước đây khi lấy vàng SJC làm vàng chuẩn quốc gia và đang để lại nhiều hệ lụy mà Tổng Bí thư đã có ý kiến chỉ đạo về độc quyền vàng miếng; và như vậy thì vàng miếng của DN sẽ không thể thu hút được; do đó mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung vàng miếng với nhiều thương hiệu khác nhau nhằm kéo giá vàng xuống khó đạt được.

Ngoài ra, nhu cầu thị trường sẽ tiếp tục dồn vào thương hiệu vàng miếng của NHNN dẫn tới áp lực cho NHNN về sản xuất vàng miếng, đẩy cầu tăng cao, kéo giá vàng miếng tăng theo, làm cho thị trường vàng miếng bị méo mó", VGTA phân tích.

Nếu NHNN tham gia thương trường (tổ chức sản xuất vàng miếng) thì sẽ chịu sự quản lý của Cơ quan nào? Ảnh: NHNN

Theo VGTA, Nghị định này nên thống nhất về quan điểm, định hướng và thể hiện chính sách nhằm khuyến khích phát triển SXKD vàng trang sức, trong đó ưu tiên cho xuất khẩu; và từng bước làm giảm nhu cầu mua bán, nắm giữ vàng miếng trong dân bằng nhiều giải pháp kinh tế mang tính thị trường; ví dụ bằng chính sách thuế (không đánh thuế nếu người dân bán vàng trang sức; và đánh thuế nếu bán vàng miếng để đầu cơ); đồng thời với các giải pháp đa dạng hóa thương hiệu vàng miếng cũng như tăng nguồn cung vàng miếng; khuyến khích phát triển thị trường vàng trang sức, qua đó tác động tâm lý để người dân chuyển dần từ tích trữ đầu cơ vàng miếng sang mua bán vàng trang sức và từng bước bình thường hóa, để người dân không còn quan tâm đến vàng miếng như các nước trong khu vực và trên thế giới.

Quy định về vốn điều lệ để được sản xuất vàng miếng không xóa bỏ được độc quyền

Liên quan đến vốn điều lệ để được sản xuất vàng miếng, theo Dự thảo đối với DN là từ 1.000 tỷ đồng trở lên và đối với NHTM là từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

VGTA cho rằng quy định này quá chặt, số lượng các DN có mức vốn điều lệ 1000 tỷ đồng trở lên rất ít, chỉ từ 1-3 DN SXKD vàng có thể đáp ứng được điều kiện này.

Như vậy, thực chất với quy định này thì số lượng DN tham gia sản xuất vàng miếng không đáng kể, quy định này dễ hình thành để nhà nước vẫn độc quyền sản xuất, cung ứng vàng miếng, hạn chế nguồn cung vàng miếng.

Do đó, VGTA đề nghị NHNN tham khảo thực tế nhu cầu vốn ban đầu của Công ty SJC đầu tư sản xuất vàng miếng để có căn cứ quy định về điều kiện vốn điều lệ phù hợp với thực tiễn. Theo VGTA, điều kiện về vốn điều lệ đối với DN là 500 tỷ đồng trở lên là phù hợp;

Góp ý vào dự thảo Nghị định (sửa đổi) NĐ 24, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng cho rằng quy định này là quá chặt, rào cản quá lớn, sẽ loại bỏ phần lớn DN khỏi khả năng tham gia thị trường. Việc này có thể dẫn đến tình trạng chỉ có một số ít DN có thể tham gia thị trường, làm hạn chế tính cạnh tranh, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi, sự lựa chọn của người dân.

Thanh Thanh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.