Ủng hộ việc cấm thanh toán tiền mặt khi mua nhà, ôtô, chứng khoán... nhưng các chuyên gia e ngại khó lấy được sự đồng thuận từ người dân nếu bản thân hệ thống ngân hàng vẫn nhiều trục trặc và bất cập như hiện nay.

Hiện tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở Việt Nam đã giảm qua các năm và đến tháng 7/2012 còn 11,14%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn rất cao so với các nước và để làm "sạch" nền kinh tế, theo các chuyên gia cần phải thực hiện ngay những biện pháp hạn chế dùng tiền mặt trong xã hội.

Một trong những nội dung chính của Dự thảo sửa đổi Nghị định về thanh toán tiền mặt là có thể cấm người dân trả bằng tiền mặt khi thanh toán các giao dịch giá trị lớn như mua ôtô, chứng khoán, bất động sản... Trong khi đó, lâu nay thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu vào tâm lý của người dân, ngay cả khi họ đã có tài khoản và rất nhiều loại thẻ ngân hàng trong ví. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, không nên vội trách cớ thói quen này của đa số người dân mà hãy nhìn vào năng lực và sự thân thiện của hệ thống ngân hàng trước.

Hệ thống ngân hàng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Ảnh chụp một khe nhận thẻ ATM bị móp méo, trầy trụa. Ảnh: Lệ Chi.

Một chuyên gia kinh tế từng là thành viên trong ban lãnh đạo Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng người dân ngại thanh toán qua ngân hàng là điều dễ hiểu. "ATM là dịch vụ phổ biến nhất của ngân hàng mà họ thường xuyên tiếp cận, nhưng lại thường xuyên chập chờn, gặp sự cố và gây phiền toái nhiều hơn là tiện ích. Vì vậy mà người dân dễ nản lòng và giảm niềm tin vào các dịch vụ văn minh này", vị chuyên gia nói.

Thể hiện sự ủng hộ đối với dự thảo hạn chế thanh toán bằng tiền mặt nhưng tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, cũng nghĩ các nhà băng nên tìm cách lấy lại niềm tin trước khi gò khách hàng chấp nhận dịch vụ của mình. "Nên cấm dùng tiền mặt nhưng phải có lộ trình cụ thể, nhất là khi hệ thống thanh toán vẫn chưa phủ rộng khắp, quá dày đặc ở thành phố nhưng lại thưa thớt, thậm chí không có ở nông thôn", ông Doanh nói. Vị này lấy ví dụ, có thầy giáo ở Hà Giang muốn gửi tiết kiệm đã phải đi mất 1 ngày mới đến nơi có chi nhánh ngân hàng. Thế nên, theo ông, họ sẵn sàng để tiền ở nhà còn hơn là đi lại xa xôi cũng dễ hiểu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai thì cho rằng sự thành công của quy định phụ thuộc rất lớn vào năng lực của hệ thống ngân hàng - nơi ông Lai ví như một "xa lộ thanh toán không dùng tiền mặt". Ông cũng cho rằng "xa lộ" này đang có những điểm tắc nghẽn nhất định ở "đường truyền" và dự thảo sẽ rất khả thi nếu "xa lộ" này ổn định và thông thoáng.

Trước lo ngại hệ thống ngân hàng còn nhiều bất cập và chưa thể áp dụng chủ trương này, giám đốc một trung tâm nghiên cứu về thị trường ngân hàng cho rằng lập luận này của những người phản đối "đã cũ". Ông nói thêm, "cách đây 10 năm, khi vấn đề này được đưa ra cũng có những lý do tương tự để lần lữa như thói quen người dân khó thay đổi, ngân hàng chưa tốt... Nay một thập kỷ đã trôi qua, nếu lại lôi cái cớ này để trì hoãn thì sẽ rất khó kiểm soát những đồng tiền bẩn", vị này cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai, cũng nên dọn dẹp cho "quang" những vướng mắc trên "xa lộ thanh toán" trước khi ban hành lệnh cấm nhưng ông đề nghị nên thực hiện dần dần. "Không nhất thiết phải chờ khi cơ sở hạ tầng đáp ứng mọi điều kiện mới làm, nếu cứ một tay phải vén lá, một tay ném dao quăng thì sẽ rất khó thực hiện", ông lập luận.

Về phần mình, các ngân hàng cũng thừa nhận có những bất cập và đôi khi gây phiền toái cho người tiêu dùng. "Người dân khi mới đầu chuyển từ tiền mặt sang chi tiêu qua ngân hàng chắc chắn sẽ thấy khó khăn nhưng tôi tin dần dần họ sẽ quen và thoải mái. Từ nay đến khi dự thảo đi vào cuộc sống chắc chắn đủ thời gian cho các nhà băng cải cách và hoàn thiện các dịch vụ", một vị tổng giám đốc tại ngân hàng cổ phần có quy mô hơn 10.000 tỷ tại TP HCM cam đoan.

Thanh Thanh Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.