Tuy nhiên, áp lực lớn đang đè nặng từng ngày lên các NHTM khi giá cổ phiếu ngân hàng khá thấp và thị trường chứng khoán đang lình xình, không thuận lợi cho kế hoạch tăng vốn.
Rầm rộ tăng vốn
Những ngày đầu tháng 12, hàng loạt ngân hàng cổ phần nhỏ rầm rộ công bố kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng Tiên Phong (Tienphongbank) công bố phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 2.000 tỷ lên 3.000 tỷ đồng với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 (mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu cũ sẽ được mua 1 cổ phiếu mới).
Ngân hàng Miền Tây (Western Bank) vừa được Ủy ban Chứng
khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận cho phát hành 100 cổ phiếu tương đương 1.000
tỷ đồng ra công chúng cũng để tăng vốn từ 2.000 tỷ lên 3.000 tỷ đồng.
Trong đó, Western Bank chào bán 69,4 triệu cổ phiếu dành cho cổ đông hiện hữu, 600.000 cổ phiếu dành cho CBCNV và 30 triệu cổ phiếu dành cho nhà đầu tư chiến lược. Trước đó, HDBank cũng đã được UBCKNN chấp thuận chào bán 145 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông
(OCB), cho biết OCB vừa tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 2.465 tỷ đồng và OCB đang
trình Chính phủ chấp thuận để bán tiếp cho Ngân hàng BNPP (Pháp) 20% vốn điều
lệ OCB nhằm đạt vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng.
Trước đó, các ngân hàng như Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng Đại Á (DaiABank) cũng tự tin về khả năng hoàn thành đúng hạn quy định về lộ trình tăng vốn do được cổ đông lớn có tiềm lực tài chính sẵn sàng hậu thuẫn.
Kế hoạch dự phòng
Đến thời điểm này có một số ngân hàng vừa công bố đã hoàn
thành kế hoạch tăng vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng như Ngân hàng Đại Tín
(TrustBank), Ngân hàng Nhà Hà Nội (HabuBank).
Theo ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT TrustBank, để tăng vốn trong bối cảnh hiện nay thực sự không đơn giản, nhất là khi cổ phiếu ngân hàng không có tính thanh khoản. Ngân hàng phải tích cực vận động cổ đông lớn đồng cảm, chia sẻ khó khăn.
TrustBank được thuận lợi nhờ các cổ đông lớn có mục tiêu đầu
tư dài cho kế hoạch phát triển của ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế không phải
ngân hàng nào cũng thuận lợi trong kế hoạch tăng vốn cho cổ đông hiện hữu,
trong khi việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài vẫn chưa có dấu hiệu khả
quan.
Đến đầu tháng 12 này, một số ngân hàng vẫn còn dừng ở mức vốn 2.000 tỷ đồng.
Đơn cử, Ngân hàng Gia Định (GiadinhBank) mới hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng vào ngày 11-11-2010. Ngân hàng này dự kiến tiếp tục phát hành cổ phiếu mới cho cổ đông để tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng trong thời gian sắp tới.
Thời điểm cuối năm đang đến gần khả năng hoàn thành theo đúng quy định của NHNN không phải dễ dàng khi cổ phiếu của ngân hàng này đang nằm dưới mệnh giá, kết quả kinh doanh và tỷ lệ cổ tức dự kiến chia cho cổ đông trong năm 2010 không mấy khả quan.
Để bảo đảm cho kế hoạch tăng vốn thuận lợi, một số ngân hàng hiện nay phải có phương án dự phòng. Đơn cử, DaiABank cho biết trong trường hợp nhà đầu tư không thanh toán đủ tiền mua cổ phần, ngân hàng sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư khác với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, Ngân hàng Việt Á (VietABank) cũng khá thành công với kế hoạch này.
Còn 23 ngân hàng đang... chạy vốn
Có thể thấy các ngân hàng đang phải chạy đua tăng vốn trong bối cảnh thực sự khó khăn như: chính sách tiền tệ đang dần siết lại trước áp lực lạm phát gia tăng, nhà đầu tư không mặn mà với kênh đầu tư vào cổ phiếu, nhất là cổ phiếu ngân hàng đến nay vẫn không khởi sắc về giá cả trên thị trường chính thức lẫn OTC. Lãi suất cao khiến các ngân hàng khó có thể tăng trưởng tín dụng để tạo doanh thu.
Trong khi đó, lượng cung cổ phiếu ngân hàng ngày một tăng từ
kế hoạch phát hành cổ phiếu, trái phiếu ồ ạt của các ngân hàng nhỏ lẫn lớn…
Những cổ phiếu ngân hàng lớn sẽ là kênh đầu tư cạnh tranh rất mạnh so với các
ngân hàng nhỏ.
Dù áp dụng nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư, nhưng thực tế không đơn giản để thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư đối với cổ phiếu ngân hàng nhỏ. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, cổ phiếu ngân hàng không còn nằm trong danh mục ưu tiên của nhà đầu tư trên thị trường.
Đến nay, theo số liệu của NHNN vẫn có tới 23/37 ngân hàng cổ phần chưa đáp ứng được số vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Trước đó, NHNN nhấn mạnh lộ trình này sẽ không thay đổi vì các ngân hàng đã có khoảng thời gian rất dài để chuẩn bị (từ năm 2006). Nếu các ngân hàng không đáp ứng được lộ trình này sẽ phải tính đến kế hoạch sáp nhập.