15/05/2020 8:31 AM
CafeLand - Từ năm 2019 đến nay, nhiều khoản nợ xấu của các doanh nghiệp bất động sản được các ngân hàng đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đang chật vật do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc thu hồi nợ của các ngân hàng hết sức trầy trật. Nhiều khoản nợ được nhà băng rao bán nhiều lần vẫn không có người mua.

Trong tình hình thị trường bất động sản hiện nay, việc thu hồi nợ của các ngân hàng gặp không ít khó khăn.

Dồn dập bán nợ

Từ cuối năm ngoái đến nay, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chào bán nhiều khoản nợ liên quan đến dự án nhà ở và đất nền. Cụ thể, vào đầu tháng 4 vừa qua, BIDV-chi nhánh sở giao dịch 2 thông báo chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên.

Gần đây, BIDV-chi nhánh Gia Định cũng thông báo bán phát mãi 55 căn hộ tại dự án chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town) với giá giảm 5% so với các đợt chào bán trước từ 2 – 5,2 tỉ đồng/căn.

Đây không phải lần đầu BIDV thông báo bán phát mãi căn hộ dự án The Era Town. Trước đó, BIDV cũng đã ba lần rao bán phát mãi căn hộ tại dự án này.

Đầu tháng 5, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ lần 3 Công ty Nhà Hưng Ngân. Tổng dư nợ của khoản vay tính đến hết ngày 5/2 là hơn 518 tỉ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là bất động sản cùng nhiều khu đất của doanh nghiệp này tại TP HCM và Hà Nội và Kiên Giang.

Trong đó, có tài sản hình thành từ vốn vay là một phần dự án Hưng Ngân Garden tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM nhưng không bao gồm 971 căn hộ của 3 tháp A1, A2 và B1 đã nghiệm thu, bàn giao cho người mua căn hộ.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2020, BIDV chi nhánh sở giao dịch 2 thông báo chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên. Tài sản đấu giá gồm toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá, tạm tính đến ngày 29/3 là hơn 4.063 tỉ đồng.

Tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Tài sản này được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank, trong đó BIDV chiếm 58% giá trị tài sản. Giá trị định giá tài sản là hơn 7.836 tỉ đồng, trong đó tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV hơn 4.545 tỉ đồng.

Một khoản nợ khác được BIDV rao bán nhiều lần nhưng chưa thành công là dự án của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn, cùng 95 khách hàng cá nhân tại BIDV chi nhánh Phú Tài (Bình Định) với tổng dư nợ hơn 2.700 tỉ đồng.

Trên thực tế, không chỉ BIDV, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng liên tục rao bán nhiều nhà đất, căn hộ để xử lý, thu hồi nợ.

Chẳng hạn như Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) rao bán dự án Khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B với giá khởi điểm 6.029 tỉ đồng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa thông báo bán khoản nợ vay với tổng giá trị 9,6 tỉ đồng của bà Phạm Thị Tuyết Nhung. Khoản nợ này gồm 8,7 tỉ đồng dư nợ gốc và 92,4 triệu đồng dư nợ lãi còn lại tạm tính đến ngày 5/11. Tài sản đảm bảo của khoản vay là quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.

Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng bán khoản nợ gồm 3 tỉ đồng nợ gốc và gần 47 triệu đồng dư nợ lãi của Công ty CP Tư vấn Đầu tư Angel Lina. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất.

Vì sao bán “ế”?

Theo giới chuyên gia, trong tình hình thị trường bất động sản hiện nay, việc thu hồi nợ của các ngân hàng gặp không ít khó khăn.

Trao đổi với CafeLand về việc nhiều bất động sản được các ngân hàng rao bán nhiều lần nhưng vẫn “ế” khách, chuyên gia tài chính ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nguyên nhân chính là do thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, tại một vài phân khúc giá đang giảm. Trong khi đó, các ngân hàng khi có tài sản bảo đảm họ luôn muốn bán giá cao.

“Khi thị trường giảm giá thì đi ngược lại với mong muốn của các ngân hàng. Người bán vẫn giữ giá cao trong khi người mua luôn muốn mua với giá rẻ và họ đang chờ đợi giá rẻ hơn nữa. Từ đó quá trình thanh lý bị kéo dài”, ông Hiếu cho biết.

Một rào cản nữa, theo một chuyên gia làm việc trong ngành ngân hàng, đó là tài sản mà các ngân hàng phát mãi qua hình thức đấu giá thường sẽ không còn rẻ nữa vì nó đã được cộng thêm các khoản khác như lãi phạt, chi phí tổ chức đấu giá.

Vị này cũng nói thêm, vẫn có cơ hội mua được tài sản phát mãi với giá tốt, nhưng thông thường người mua cũng phải mất thêm thời gian để thực hiện các thủ tục giải chấp, đôi khi trục trặc người mua sẽ gặp rủi ro.

Do đó, người mua phải tìm hiểu kỹ xem trình tự, thủ tục như định giá khi đưa vào đấu giá, quá trình làm thủ tục phát mại tài sản có đúng hay không? Chủ sở hữu có thực hiện nghĩa vụ gì khác sau khi đấu giá thành công hay không thì mới đưa ra quyết định.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.