29/11/2024 9:29 AM
Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 88 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung).

Ngân hàng bị phạt tới 500 triệu đồng nếu ép khách mua bảo hiểm- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Dự thảo này được xây dựng dựa trên các quy định hiện hành trong Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Phòng, chống rửa tiền mới nhất, đồng thời bổ sung nhiều chế tài nghiêm khắc hơn để phù hợp với thực tế.

Theo đó, dự thảo quy định mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng cho các hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của tổ chức tín dụng hoặc hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng; Hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh gây tổn hại đến chính sách tiền tệ quốc gia hoặc an toàn hệ thống ngân hàng; Gắn bán bảo hiểm không bắt buộc với sản phẩm ngân hàng, vi phạm quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng; Sử dụng sai từ ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng, trái với quy định pháp luật.

Ngoài ra, các vi phạm về quy trình quản lý rủi ro, phân loại khách hàng không đúng mức độ rủi ro hoặc không thực hiện đầy đủ quy định với khách hàng nước ngoài cũng bị phạt từ 150-200 triệu đồng.

Chế tài xử phạt mới của ngành ngân hàng được đưa ra sau hàng loạt phản ánh của người dân cho biết bị ép mua kèm bảo hiểm nhân thọ khi đi vay suốt thời gian qua. Nhiều người vay chấp nhận mua kèm bảo hiểm nhân thọ (sản phẩm bảo hiểm giá trị lớn và phải đóng tiền dài hạn) như một “luật ngầm” để được giải ngân.

Ngoài bảo hiểm nhân thọ, các ngân hàng cũng thường bán kèm bảo hiểm khoản vay, cháy nổ... với giá trị thấp hơn khi giải ngân khoản vay. Đây là các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc, được các ngân hàng đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản và khoản vay. Việc mua bảo hiểm khoản vay hay cháy nổ theo các ngân hàng, giúp tăng khả năng duyệt hồ sơ vay thế chấp, bảo vệ tài sản đảm bảo...

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính từ năm 2020 đến hết 6 tháng năm 2024, có 1.438 đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với 219 trường hợp; áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo 14 trường hợp. Các vi phạm liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, hoạt động ngoại hối, phân loại tài sản có, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro, chế độ báo cáo.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng có những động thái mạnh mẽ như lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của ngân hàng.

Đồng thời ban hành những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm và tăng cường biện pháp xử phạt.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm, không để xảy ra trường hợp ngân hàng, người quản lý, người điều hành, nhân viên của ngân hàng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Khánh Chi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.