Tuy nhiên cũng có ngân hàng (nhất là các ngân hàng nhỏ) phản ánh việc bị khách hàng rút tiền.
Ngân hàng TMCP Nam Việt tính đến 17.9 bị rút khoảng 537 tỷ đồng. Ngân hàng Đại Á đến 12.9 bị giảm tiền huy động 0,2% so ngày 9.9. Ngân hàng Việt Á cũng bị rút 50 - 60 tỷ đồng/ngày...
Đáng kể nhất là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bị rút tới 34.000 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ ngày 7.9 đến 25.9 (nhưng lượng tiền gửi vào tăng 37.000 tỷ đồng). Đối tượng rút tiền chủ yếu là tổ chức, doanh nghiệp trong khi vốn huy động chủ yếu từ dân cư.
Bà Đinh Thu Thảo - Phó Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, với lượng tiền gửi vào tăng thêm trong thời gian qua cho thấy người dân vẫn tin tưởng vào lãi suất 14%/năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng đang trông chờ vào động thái của NHNN trong việc tái cấp vốn cho các ngân hàng bị thiếu hụt do tình trạng này gây ra.
Theo ông Hồ Hữu Hạnh - Giám đốc NHNN TP.Hồ Chí Minh, thông thường các năm trước thì 10 tháng đầu năm hệ thống ngân hàng trên địa bàn "bội thu" khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng qua 8 tháng đầu năm nay thì lại bị "bội chi" 3.000 tỷ đồng.
Theo ông Hạnh và nhiều lãnh đạo ngân hàng, có thể người dân rút tiền mua vàng. Nhưng hiện nay các ngân hàng không được huy động vàng (chỉ được huy động chứng chỉ tiền gửi bằng vàng) nên tiền "chôn" vào vàng trong khi lượng vàng này đa phần không được gửi vào ngân hàng để cân bằng tổng nguồn huy động.
Theo bà Dương Thu Hương - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), mặt bằng lãi suất huy động đã quay về 14%/năm trên toàn hệ thống, vấn đề của các ngân hàng hiện nay là phải xóa bỏ tình trạng mặc cả lãi suất, thiết lập lại trật tự đã có. Cần phải ổn định tâm lý người dân để họ tin tưởng vào hệ thống ngân hàng và gửi tiền vào đây.
* Trong 2-3 ngày qua, nhiều ngân hàng đã áp dụng lãi suất huy động mới theo Thông tư 30/2011 của NHNN. Tại Ngân hàng Việt Á, kỳ hạn từ 2 ngày đến 3 tuần lãi suất đồng loạt bằng 6%/năm. Tại Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, các kỳ hạn dưới 1 tháng lãi suất đồng loạt bằng 6%/năm...