Hôm nay (1/10/2010), Thủ đô Hà Nội long trọng tổ chức Lễ khai mạc “Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư phát triển vùng Thủ đô, phấn khởi cho biết, đến năm 2020, vùng Thủ đô Hà Nội sẽ là vùng kinh tế tổng hợp lớn của Quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thủ đô Hà Nội sẽ là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển bền vững, đồng thời là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử khoa học, giáo dục đào tạo và giao lưu quốc tế lớn của cả nước.


Phát triển theo hướng đô thị đa cực

Theo ông Chính, tháng 4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, vùng Thủ đô Hà Nội có diện tích 13.436 km2, bao gồm Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Nam. Số dân của vùng hiện tại là trên 13,2 triệu người và dự kiến đến năm 2020 là 14,5 đến 15 triệu người và tầm nhìn đến năm 2050 là 18 triệu người.

Ông Chính nhấn mạnh, vùng Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo hướng đô thị đa cực tập trung: liên kết không gian giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh xung quanh (vùng phát triển đối trọng), trong đó các đô thị tỉnh lỵ là các hạt nhân của vùng phát triển đối trọng. Phương hướng phát triển của vùng là thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các đô thị tỉnh lỵ nhằm phát huy vai trò, tiềm năng, thông qua việc phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, giảm sự tập trung quá tải vào Thành phố Hà Nội.


Đại lộ Thăng Long lung linh trước ngày khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trong quy hoạch này, Hà Nội đóng vai trò chủ đạo của vùng, là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia và là một trung tâm văn hóa, thương mại, tài chính, dịch vụ, công nghệ cao, nghiên cứu và là một trung tâm du lịch của toàn vùng.

Vùng đô thị hóa mạnh bao gồm các không gian đô thị công nghiệp - dịch vụ phát triển nối kết về phía Đông; không gian các đô thị du lịch - đào tạo - công nghệ phát triển nối kết về phía Tây, hình thành các trục không gian kinh tế - đô thị đối trọng Đông - Tây.

Ngoài ra, vùng động lực phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tập trung trên trục kinh tế giữa đô thị hạt nhân Thành phố Hà Nội với Thành phố Hải Phòng và Thành phố Hạ Long. Trong đó, đô thị Hải Dương đóng vai trò đô thị trung tâm cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của vùng đồng bằng phía Nam - Đông Nam Đồng bằng sông Hồng.

Hà Nội sẽ xanh và sạch hơn

Cụ thể hơn, quy hoạch này đã xác lập các khu vực chính, gồm: đô thị trung tâm hạt nhân với khu vực nội đô và khu vực nội đô mở rộng. Trong đó, đáng chú ý nhất là phần mở rộng của đô thị trung tâm hạt nhân gồm chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4 - khu vực phía Nam sông Hồng. Ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, khu vực này sẽ xây dựng các trung tâm thương mại - dịch vụ mới, hiện đại của quốc gia và Thành phố Hà Nội, khuyến khích xây dựng cao tầng để thu hút dân số dịch chuyển từ trong nội đô ra ngoài và tiếp nhận nhiều dự án trong khoảng 750 đồ án, dự án đang được rà soát, cập nhật. Chuỗi khu đô thị mới này được ngăn cách với khu vực đô thị tiếp giáp từ xung quanh đường vành đai 3 trở vào nội đô bằng vùng đệmvành đai xanh sông Nhuệ.

Cũng theo ông Tuấn, chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng theo quy hoạch gồm: Mê Linh, được xác định là khu đô thị dịch vụ, công nghiệp tập trung và nông nghiệp chất lượng cao; Đông Anh, được xác định là đô thị dịch vụ, du lịch và công nghệ cao; khu vực Long Biên - Gia Lâm là khu đô thị dịch vụ, công nghiệp. Khu vực này được thiết lập để đảm bảo ý tưởng chủ đạo của đô thị Hà Nội là thành phố hai bên sông, hình thành các không gian về cây xanh, mặt nước, văn hóa gắn với trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch, triển lãm...

5 đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh, và Sóc Sơn. Mỗi đô thị vệ tinh có một hoặc nhiều chức năng đặc thù để hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo chất lượng cao, công nghiệp, dịch vụ...

Ngoài ra, Hà Nội còn có các thị trấn sinh thái mật độ thấp được nâng cấp từ các thị trấn hiện hữu; hành lang xanh làm trung gian giữa bảo tồn và phát triển, cho phép nhiều làng nghề thủ công và các di tích lịch sử văn hóa tận dụng những tiến bộ công nghệ mới tạo trong các khu vực, phù hợp với khả năng phát triển bền vững của toàn bộ Thủ đô Hà Nội.

Ông Chính cho biết, với vùng Thủ đô Hà Nội, chúng ta đang khai thác lợi thế và tiềm năng nhằm phát triển Thủ đô có đủ chức năng và vị thế của một trung tâm đô thị hiện đại trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Phát triển hài hòa và nâng cao chất lượng hệ thống đô thị trong vùng nhằm giảm sự tập trung vào Thủ đô Hà Nội sẽ giải quyết được những bất cập, mâu thuẫn đang tồn tại ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung của cả vùng Thủ đô.

Cafeland.vn - Theo tinnhanhchungkhoan
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland