Chị Nhi chia sẻ với VnExpress.net: "Tôi sống
gần khu công nghiệp Tân Bình, cách trung tâm thành phố khoảng 15 km,
việc đi làm, đưa con đi học mất quá nhiều thời gian. Cả nhà muốn dọn về
quận gần nội thành hơn nhưng lại ngại mua chung cư đang xây".
Chị Nhi giãi bày, trong thời điểm hiện nay có nhiều dự
án chậm tiến độ vì thiếu vốn, thậm chí là đình trệ nên khi đi xem căn
hộ, chị luôn ám ảnh bị khất thời hạn giao nhà dài hạn. Theo bà nội trợ
này, thà rằng mua căn hộ đắt hơn chút ít tiền chênh lệch song có thể vào
ở ngay còn hơn là nộp tiền dự án nhưng không biết lúc nào được nhận
nhà.
Tương tự, đang tìm chung cư để ra riêng song anh Trần
Ngọc Đức (quận 12) cũng ngán ngẩm việc mua căn hộ hình thành trong tương
lai dù nhân viên môi giới thuyết phục cuối năm nay dự án sẽ hoàn thiện.
"Tôi thấy quá nhiều công trình đình trệ. Mua căn hộ đang xây chẳng khác
nào ôm nỗi lo vào người. Chẳng ai dám chắc thời gian giao nhà sẽ kéo
dài bao lâu nếu chủ đầu tư cạn vốn", anh Đức băn khoăn.
Khách hàng này nhẩm tính, thông thường chủ đầu tư các
dự án căn hộ đều thỏa thuận được quyền giao nhà chậm linh động trong ba
tháng. Tuy nhiên, ngay cả khi doanh nghiệp giao nhà trễ hơn thời gian
quy định từ 6 tháng đến một năm hoặc thậm chí lâu hơn thì khách hàng chỉ
bất lực đứng nhìn chứ không thể thúc ép tiến độ. "Tiền lãi phạt chậm
giao nhà chủ đầu tư sẽ thanh toán sau trong khi lãi vay mua nhà và nợ
ngân hàng khách hàng phải tự gánh vác hàng tháng. Vì thế tôi ngại dây
vào dự án đang xây dang dở trong lúc này", anh Đức giải thích.
Cuối năm ngoái, tâm lý của khách hàng mua chung cư bị
dao động mạnh từ sau đợt bán tháo căn hộ với mức giảm trung bình 20-30%.
Sau hiện tượng giảm giá này, thị trường rơi vào trạng thái trì trệ vì
tâm lý chờ giá địa ốc tiếp tục hạ nhiệt. Tuy nhiên, ngay cả khi cú sốc
bán tháo mở ra những đợt giảm giá nhà chung cư thì khách hàng vẫn không
dám mua các dự án xây dang dở. Bởi lẽ, người có nhu cầu bức bách về nhà ở
lại lo căn bệnh đói vốn hoành hành khiến thời gian giao nhà kéo dài
thêm.
Sắp chuyển công tác vào Sài Gòn, vợ chồng chị Thùy (Hà
Nội) đôn đáo tìm chung cư tại TP HCM để mua gấp. Khi được giới thiệu
các dự án sẽ bàn giao nhà cuối quý III, hoặc IV, cặp vợ chồng này cũng
ngần ngại chối từ. "Dù mua dự án đang xây giá mềm hơn và có thể trả góp
dần nhưng tôi vẫn không dám mạo hiểm vì sợ không được nhận nhà đúng
hẹn", chị Thùy nói.
Nữ khách hàng này cho hay, vợ chồng chị muốn chờ thêm đến giữa quý II để xem xét tiến độ các dự án căn hộ, tính toán lại các khoản chi phí phát sinh rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng.
Thống kê của hệ thống sàn địa ốc Vinaland, trong tuần
cuối cùng của tháng 2 và đầu tháng 3, hơn 200 danh mục bất động sản gồm
đất nền và căn hộ chung cư tại TP HCM đều đứng giá, không có giao dịch.
Tình trạng này đã kéo dài nhiều tháng liền. Thậm chí giới kinh doanh còn
dự báo có thể trong đầu quý II thị trường vẫn chuyển động chậm chạp.
Tổng giám đốc một công ty địa ốc tại quận 10, TP HCM
cho biết, người có nhu cầu thật sự về nhà ở đang là nhóm khách hàng tiềm
năng, có thể tạo lực đẩy và tăng tính thanh khoản cho thị trường căn
hộ. Tuy nhiên, "thượng đế" đang mất dần niềm tin vào bất động sản. Rào
cản tâm lý này càng đè nặng thị trường khi ngày càng có quá nhiều dự án
chậm giao nhà, khất bàn giao căn hộ thậm chí là đình trệ.
"Chỉ khi nào các dự án đồng loạt gia tăng tốc độ xây
dựng, đảm bảo đúng thời gian giao nhà hoặc chỉ chậm giao trong khoảng
thời gian giới hạn thì nhóm khách hàng mua nhà để an cư mới chịu xuống
tiền mua căn hộ", ông dự báo.
Nhận định về tình hình thiếu vốn của thị trường, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu phân tích, hiện các doanh nghiệp bất động sản đang nỗ lực tìm cách thuyết phục khách hàng bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn như: liên kết, liên doanh để giải bài toán về vốn, xây căn hộ nhỏ có giá thành cạnh tranh, cố gắng đảm bảo tiến độ, giữ vững chất lượng công trình...
Tuy nhiên, ông Châu nhận định, để giải tỏa được tâm lý mất niềm tin của khách hàng thì nỗ lực của doanh nghiệp không thôi vẫn chưa đủ. Chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần phải có những chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản một cách có chọn lọc để vừa tăng tính thanh khoản cho thị trường vừa giải tỏa được nhu cầu chính đáng về nhà ở của người dân.