Tăng trần, giảm sàn nhiều phiên liên tiếp đi ngược với các diễn biến thị trường, DHT là cổ phiếu biến động giá bất thường nhất trong tháng 8. Đi kèm là khả năng về một ngã rẻ mới của vụ thâu tóm Công ty Dược Hà Tây.

Kể từ 5 -19/8, giá DHT tăng 10 phiên liên tiếp từ 62.000 lên 100.000 đồng trong khi giá của nhiều cổ phiếu khác tại sàn Hà Nội đều giảm giá cực mạnh, đặc biệt là các penny. Tiếp sau đó, kể từ 20-30/8, giá chứng khoán này lại tụt sàn 7 phiên liên tục. DHT giảm sàn trong cả phiên ngày 30/8 khi mà giá của hầu hết các cổ phiếu tại HNX và HOSE tăng trần.

Trong khoảng thời gian giảm sàn liên tục, khối lượng DHT được chuyển nhượng tại HNX cực thấp, có phiên chỉ 200 cổ phiếu và nhiều nhất là 7.500. Cũng chính vì lý do này, HNX đã có văn bản yêu cầu DHT giải trình về việc giảm sàn 7 phiên liên tiếp.

Ngã rẽ đột ngột đến từ việc 4 cổ đông lớn của Dược Hà Tây công bố bán gần 2 triệu cổ phiếu. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Trước khi có diễn biến DHT tăng giá 10 phiên liên tục, Công ty Dược Viễn Đông – đơn vị có ý định mua thâu tóm Công ty Dược Hà Tây, đã hoàn tất việc bán toàn bộ hơn 1 triệu cổ phiếu DHT. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và người mua là những cá nhân có liên quan đến Dược Viễn Đông.

Còn diễn biến giảm sàn 7 phiên liên tiếp xảy ra khi 4 cổ đông cá nhân lớn của Công ty Dược Hà Tây đồng thời là các nhân vật trọng yếu tại Dược Viễn Đông, công bố bán toàn bộ hơn 1,9 triệu DHT (chiếm gần 50% vốn điều lệ) mà họ đang nắm giữ. Tính đến ngày 31/8, nguồn tin liên quan đến các cổ đông lớn của Dược Hà Tây cho biết, họ vẫn chưa bán cổ phiếu.

Ông Lê Văn Dũng - Tổng giám đốc Công ty Dược Viễn Đông, người đứng đầu nhóm cổ đông mua thâu tóm Dược Hà Tây nhận xét biến động giá bất thường của DHT trong thời gian gần đây chủ yếu là do tác động tâm lý.

“Sau rất nhiều sự việc diễn ra gần đây thì tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng là khó tránh khỏi. Giá tăng do hệ quả của vụ thâu tóm thì cũng có thể giảm khi một số cổ đông lớn đăng ký bán ra”, ông Dũng giải thích.

Cũng theo ông Dũng, mặc dù vẫn có ý định thâu tóm Dược Hà Tây nhưng bản thân doanh nghiệp của ông và một số cổ đông có liên quan sở hữu cổ phiếu DHT không chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động giá do không thực hiện giao dịch trong thời gian gần đây.

Cùng thời điểm diễn ra những diễn biến bất thường về tăng giảm giá DHT, hàng loạt đơn trình báo, kêu cứu liên quan đến Công ty Dược Hà Tây được gửi tới nhiều cơ quan chức năng.

Các đơn thư này có cả văn bản do Dược Viễn Đông cùng các cá nhân có liên quan sở hữu khối lượng lớn DHT, đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nghi vấn sản xuất thuốc gắn nhãn Dược Hà Tây với số lượng lớn tại công ty cổ phần dược phẩm và thiết bị y tế Hà Tây (Hatapharm) chưa có chức năng sản xuất thuốc, chưa được cấp số đăng ký bất kỳ loại thuốc nào. Đáng lưu ý, văn bản này được gửi ngày 20/8 và vài ngày sau đó các cá nhân nói trên cũng công bố bán toàn bộ số cổ phần mà họ đang nắm giữ tại Dược Hà Tây.

Trong khi đó, một nhóm tự giới thiệu là cán bộ công nhân viên của Hatapharm cũng gửi thư kêu cứu tới các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ sự việc. Theo giải thích của nhóm nhân viên này, Hatapharm được coi như một phân xưởng sản xuất của Dược Hà Tây nên chưa xây dựng hoàn thiện nhà máy, đồng thời chưa xin giấy phép đủ điều kiện sản xuất thuốc. Việc Dược Hà Tây chuyển một số sản phẩm thuốc nang mềm sang sản xuất tại Hatapharm do dây chuyền sản xuất của công ty luôn quá tải.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo cấp cao của Dược Hà Tây khẳng định không hề biết gì những đơn thư tố cáo cũng như kêu cứu này.

Cafeland.vn - theo Nhật Minh – Hoàng Ly ( VnExpress )

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland