Một số chuyên gia cho rằng room tín dụng có thể tăng lên mức 15-16%. Nếu đợi đến quý 4 mới nới room, thì e rằng sẽ hơi muộn và mất đi cơ hội.

Ông Nghĩa cho rằng Mỹ tăng trưởng tín dụng như vậy thì Việt Nam tăng lên 15-16% là mức chấp nhận được.

Tăng trưởng tín dụng có thể tăng lên 15-16%

Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Trang TTĐTTH VietnamBiz (vietnambiz.vn) và Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) tổ chức tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững” tại Hà Nội ngày 24.8.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia, cho rằng điều khiến người ta lo ngại là không biết đến bao giờ mới được nới room, trong khi room cũ thì nhiều ngân hàng cạn kiệt.

Theo ông Nghĩa, muốn chống lạm phát thì phải dùng thuế, giảm lạm phát xuống dưới mức kỳ vọng thì có thể nới room.

“Nếu không chống được lạm phát do chi phí đẩy, không dám sử dụng biện pháp về thuế, tài khóa để chống lạm phát, giảm nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào thì không thể nới room tín dụng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, ngoài lạm phát từ nhập khẩu, lạm phát nội tại sẽ không nhiều nếu không phát hành tiền trong ngân sách chi tiêu. Khi giảm được lạm phát chi phí đẩy, chúng ta có cơ hội xem xét tăng trưởng trở lại một chút room tín dụng.

Theo số liệu của TS. Cấn Văn Lực công bố đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Mỹ bình quân trong vòng 3 năm là 14%.

Đối chiếu số liệu này, ông Nghĩa cho rằng Mỹ tăng trưởng tín dụng như vậy thì Việt Nam tăng lên 15-16% là mức chấp nhận được.

“Chúng ta thận trọng cố gắng kiểm soát được lạm phát vững chắc một chút thì chúng ta có thể nới nới rộng room tín dụng thành 15% hoặc 16%”, ông Nghĩa nhận định.

Đợi đến quý 4 thì hơi muộn

Lý giải về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa nới room tăng trưởng tín dụng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng NHNN còn băn khoăn chuyện chưa nới room tăng trưởng tín dụng do hai nguyên nhân là lo ngại lạm phát, thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy, nếu chúng ta có thể kiểm soát giá xăng dầu và giá heo thì có thể tự tin kiểm soát được lạm phát dưới 4%.

Do đó, không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi. Khi cả thế giới đang đối mặt với lạm phát thì chúng ta đã kiểm soát được, đó là một cơ hội rất tốt.

Ông Lực cho rằng nếu chờ đợi đến quý 4 thì e rằng là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội.

Cũng theo ông Lực, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện nay hoàn toàn trong khả năng kiểm soát. Tỷ lệ cho vay so với vốn lưu động trong thị trường 1 theo tính toán sơ bộ đến thời điểm hiện nay là 92%, vẫn ở mức an toàn.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay 25,2% và ngưỡng cho phép của NHNN bắt đầu từ 1/10 năm nay là 34%, tức là vẫn trong tầm kiểm soát.

"Theo quan sát của chúng tôi, dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống các ngân hàng đang mạnh hơn đặc biệt là từ tháng 6, 7 và 8. Tỷ trọng vốn ngắn hạn và trung dài hạn hiện nay đã khác không còn ở tỷ lệ 20% - 80% như trước đây mà đã cải thiện hơn rất nhiều," ông Lực cho biết thêm.

Liên quan đến câu chuyện nới room, ông Lực cho rằng nếu chờ đợi đến quý 4 thì e rằng là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội.

“NHNN cần lưu ý đến vấn đề này. Theo tôi, nên xem xét trong tháng tới, bởi nếu không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau cực kỳ nguy hiểm và nợ xấu ngân hàng tăng lên”, ông Lực nhận định.

Vị này lưu ý thêm rằng nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.

Không cẩn thận sẽ giống như Trung Quốc

Theo phân tích của ông Lực, thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là một trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị.

Vai trò thu hút vốn của thị trường bất động sản rất quan trọng bởi nó liên quan đến khoảng 35 lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Trong đó, 4 ngành lớn có liên quan nhiều là xây dựng (5,94% GDP), du lịch (9,2% GDP), lưu trú (3,8% GDP), tài chính – ngân hàng 5,32%) – tổng 24,3% năm 2019. Và hệ số lan tỏa của bất động sản đối với những ngành nghề này 0,5 – 1,7 lần.

Khi nhắc đến bất động sản là nhắc đến tứ giác liên thông ngân hàng – bảo hiểm – bất động sản – chứng khoán.

Đơn cử, ngân hàng cho vay bất động sản khoảng 20%, trong khi đó, 60-65% bất động sản thế chấp tại các ngân hàng là bất động sản.

Do đó, nếu dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ làm giảm nhiệt thị trường và thực tế thị trường đang trầm lắng. Bên cạnh đó, làm tăng sự mất cân đối cung – cầu bất động sản (cung không thể tăng, cầu không giảm….), dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường bất động sản giảm, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, kéo theo giảm đà phục hồi kinh tế,…

“Nếu chúng ta không cẩn thận sẽ giống Trung Quốc, vừa rồi họ siết chặt quá và phải giải cứu. Cho nên, việc kiểm soát và ứng xử hợp lý là vô cùng quan trọng”, ông Lực nhấn mạnh.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.