Chứng khoán khởi sắc, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến sàn. Trong ảnh: Đặt lệnh mua cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán Rồng Việt (TPHCM). Ảnh: Hồng Thúy
Chứng khoán đã quá rẻ
Thêm vào chút hừng khí của giới đầu tư chờ đón “phép mầu” trong năm mới, trên mạng đang phổ biến bản dịch từ bài của Peter Cohan trên tạp chí Forbes với tựa đề “Why you should invest in Vietnam?” (Vì sao nên đầu tư vào Việt Nam?). Ở cuối bài, tác giả nhận định: Tuy các giá trị cổ phiếu hấp dẫn như vậy nhưng TTCK đã mất thêm 28% trong năm 2011 từ mức đã được coi là “giá rẻ” của cuối năm 2010. Từ đó, có thể suy ra một điều là chơi chứng khoán khó biết lúc nào là giá rẻ, trừ phi cổ phiếu tiệm cận giá 0 (zero) là mức thấp nhất có thể (ví dụ vài cổ phiếu đã xuống dưới mức 1.000 đồng). Giá rẻ nhưng nếu môi trường đầu tư và chính sách về chứng khoán tiếp tục kém hấp dẫn thì giá vẫn có thể xuống tiếp.
Ngoài ra, vấn đề cơ bản nhất là “tiền đâu?”. Do một bộ phận không nhỏ dân cư đã kẹt tiền để dành trong bất động sản (BĐS) hay vàng và USD khiến nguồn cung tiền cho chứng khoán cạn kiệt, hai nguồn còn lại là đầu tư nước ngoài và nguồn cung tiền trong nước cũng bị hạn chế vì hoàn cảnh kinh tế vĩ mô và chính sách thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước. Đó là bức tranh toàn cảnh của chứng khoán trong năm qua.
Bất động sản còn xuống giá
Ai cũng biết thị trường BĐS đang đóng băng. Những khó khăn này không dễ gỡ qua các chính sách vá víu tạm thời mà tùy thuộc nền kinh tế trong lâu dài. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, khủng hoảng BĐS thường kéo dài 5 năm, sau đó mới bắt đầu có lối ra. Điển hình mới nhất là Mỹ, khủng hoảng BĐS bắt đầu từ năm 2007 do cơn bão nợ dưới chuẩn, đến nay mới có dấu hiệu hồi phục dần sau khi giá nhà đất nhiều nơi đã xuống từ 50% - 70%. BĐS nước ta được ghi nhận đã đóng băng từ năm 2008 và xuống giá đậm từ năm 2010 vì không có người mua và do chính sách tín dụng thắt chặt, đã đưa lãi suất BĐS lên đến trên 20%.
Giá BĐS đã xuống 20% - 30% trong 2 năm qua, trong đó phân khúc căn hộ cao cấp bị xuống giá mạnh nhất và có thể sẽ xuống thêm 15% - 20% nữa (nhất là giá đất nền) trong 2 năm 2012 - 2013 trước khi có thể chạm “đáy” với mức giá thực tế hơn.
Lối ra: Giảm lãi suất
Tác động xấu của TTCK và BĐS đối với nền kinh tế trong năm 2012 là có thật, đáng lo. Vì cả hai đều là kênh huy động vốn lâu dài, quan trọng của nền kinh tế nên các chính sách ngắn hạn (vĩ mô) và lâu dài (tái cấu trúc) để mở lối ra cho cả hai thị trường phải được tiến hành.
Giải pháp chung cho hai thị trường chính là cải thiện tình hình vĩ mô dẫn đến giảm lãi suất.
Để kéo nhà đầu tư - đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài - trở lại, yếu tố chính là tình hình kinh tế vĩ mô phải có đột phá để gây dựng lại niềm tin. Phải bắt đầu từ việc chứng minh rằng Chính phủ thực sự sẽ kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô. Điều này cần được thể hiện bằng cách giảm lạm phát trong các quý I, II và dẫn đến giảm lãi suất vào cuối quý II. Thị trường BĐS cũng sẽ phục hồi từ từ sau TTCK khi lãi suất có dấu hiệu giảm thực sự.
Lập luận này không gây tranh cãi và gần như tất cả giới làm chính sách cũng như giới học thuật đều đồng ý việc phải giảm lãi suất.
Làm thế nào để giảm lãi suất?
Thế khó của chính sách tiền tệ là nếu nới lỏng sẽ gây lạm phát cao, còn tiếp tục thắt chặt như hiện nay sẽ gây đình đốn sản xuất và chưa chắc đã giúp lạm phát xuống thấp. Dư địa của chính sách tiền tệ được đánh giá là rất giới hạn. Như vậy, TTCK khó có thể phục hồi một cách bền vững dù giá đang “rất hấp dẫn”.
Giải pháp tối ưu và khả thi hiện tại rõ ràng là phải dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ thực sự chính sách tiền tệ nhằm giảm tổng cầu và lạm phát, rồi từ từ sẽ linh hoạt chính sách tiền tệ để giảm lãi suất.
Đối với thị trường BĐS, cần các cú sốc từ việc tái cơ cấu nền kinh tế và sự có mặt của những nhà đầu tư mới.
Sau khi thị trường BĐS được khởi động từ lãi suất, thị trường này chỉ có thể phục hồi nhanh chóng nếu có cú sốc ào ạt từ các nhà đầu tư mới, chẳng hạn như những động thái thăm dò tích cực từ cuối năm ngoái của giới đầu tư Nhật Bản vào cơ sở hạ tầng hay khu vực sản xuất nông nghiệp và hàng tiêu thụ nước ta. Đi kèm với đó có thể là việc mời gọi một số doanh nghiệp và cá nhân Nhật Bản bị tác động bởi thiên tai xung quanh vùng Tokyo sang tái định cư, thiết lập các cơ sở mới ở Việt Nam. Đây sẽ là yếu tố gây tác động tâm lý mạnh nhất cho BĐS nước ta.
Để góp phần vực dậy TTCK và BĐS, việc thực hiện 3 nhánh tái cấu trúc kinh tế cần được xúc tiến nhanh hơn bằng cách tập trung vào một cơ quan chỉ đạo (thay vì 3 cơ quan như hiện nay) để có sự phối hợp chính sách hữu hiệu và cấp thời hơn. |