21/06/2018 9:45 PM
Tình trạng san lấp, lấn chiếm, đổ rác thải, phế liệu… ven sông, kênh, rạch ở TPHCM đang diễn ra ngày càng trầm trọng, có nguy cơ mất kiểm soát. Hệ quả ngập lụt xảy ra thường xuyên hơn, người dân sống ven kênh, rạch bị mắc bệnh ngày càng nhiều...

Muôn kiểu lấn chiếm

Theo thống kê, TPHCM có khoảng 2.900 tuyến kênh, rạch các loại và đan xen nhau. Ngoài giao thông đường thủy, những kênh rạch này còn điều tiết nước thải, ô nhiễm môi trường cũng như mang lại cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống cho người dân. Thế nhưng, hiện rất khó để tìm được những kênh rạch trong xanh ở TP vì tất cả đã bị lấn chiếm theo nhiều cách khác nhau.

Trên địa bàn TP, quận 8 có nhiều kênh, rạch nhất. Nằm lân cận với các quận trung tâm 1 và 5, các kênh, rạch ở đây nhếch nhác vì rác, gây mất vẻ mỹ quan đô thị, đặc biệt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngay khu vực trung tâm quận 8 có các kênh Đôi, rạch Sáng, rạch Bén, rạch Ụ Cây, rạch Hiệp An… làm nhiệm vụ chính là phục vụ giao thông, vừa có chức năng xả thải, tiêu thoát nước.

Tuy nhiên, hiện các kênh, rạch đã bị bồi lắng, cạn dần và ô nhiễm nặng do chất bẩn lưu trữ. Nhìn từ cầu Kênh Xáng (đường Dương Bá Trạc), cầu Rạch Xáng (đường Tạ Quang Bửu), cầu Mật (đường Phạm Thế Hiển)… những khi thủy triều xuống mặt nước đen ngòm, bốc mùi nồng nặc. Khi nước dâng cao, mặt kênh, rạch trôi nổi lềnh bềnh các loại như rác sinh hoạt, bao nylon, vỏ dừa, thậm chí có cả xác động vật.
Tại tuyến kênh chảy qua đường Phạm Văn Bạch, phường 15 (quận Tân Bình); kênh chảy qua đường Bạch Đằng, phường 15 và kênh chảy qua đường Điện Biên Phủ, phường 22 (quận Bình Thạnh)… cũng đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Không chỉ hứng chịu nguồn nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở sản xuất, các kênh này còn là nơi tập trung lượng lớn chất thải của người dân sống dọc kênh.
Theo ghi nhận, 2 bên bờ các tuyến kênh nói trên, rất nhiều điểm kinh doanh như rửa xe, sửa xe, nhà hàng ăn uống… Tất cả các đồ thừa thải, phế phẩm của các cơ sở kinh doanh đều tuồn thẳng xuống những dòng kênh này. Chính vì vậy, quanh năm nước trên dòng kênh này chỉ một màu đen kịt, bốc mùi hôi khó chịu.
Thậm chí, tuyến kênh đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh còn bị nhiều người dân lấn chiếm xây dựng công trình phụ bịt gần hết dòng kênh, nước không có chỗ thoát, ứ đọng rác thành đống. Đặc biệt, khi nước triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn khiến lượng rác tràn ngập hai bên bờ, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của khu dân cư…
Nhà dân xây lấn chiếm trên kênh Đôi, quận 8. Ảnh: Đ.TRUNG

Ghi nhận của ĐTTC, trong số 54 tuyến sông, rạch ở TPHCM bị chiếm, rạch Cầu Cụt (quận Gò Vấp) là một điển hình. Rạch Cầu Cụt thoát nước chính cho nhiều khu vực dân cư trên các đường Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Cây Trâm... Theo thời gian, lòng rạch Cầu Cụt đã bị thu hẹp dần bởi những căn nhà xây dựng sát mép, phá vỡ bờ bao, làm thu hẹp dòng chảy khiến nhiều tuyến đường ở khu vực này bị ngập nước.
Bà Lê Thị Tửu, tổ trưởng tổ 1, khu phố 1 (phường 14, quận Gò Vấp), sống gần rạch Cầu Cụt, cho biết: “Từ những năm 2000, có chừng 5 – 6 nhà xây lấn rạch. Mấy chục năm trước khu này là ruộng rau muống rộng mênh mông, không có nhà cửa san sát như bây giờ.

Ngập nước và ô nhiễm

Hiện ngoài hệ thống sông Sài Gòn, TPHCM còn có một số tuyến kênh rạch quan trọng như kênh Đôi - Tàu Hủ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Bến Nghé, Vàm Thuật, kênh Tẻ... nhưng chúng đang bị “bức tử”. Kênh Nước Đen ở quận Bình Tân, đúng như tên gọi của nó khi bị ngập trong rác. Tình trạng trên cũng tương tự ở các kênh Gia Định (quận 12), kênh Tham Lương (quận 12 - quận Gò Vấp).
Ngay cả các kênh, rạch gần nguồn sông Sài Gòn như kênh Tẻ, rạch Bến Nghé... cũng chỉ sạch lúc triều lên, khi triều xuống lòng kênh bị bồi lắng rất dày, nước đen ngòm, nặng mùi. Tình trạng này chưa có dấu hiệu được cải thiện rõ nét, khi các dự án cải tạo môi trường nước được triển khai một cách chậm chạp; việc xử lý nước thải sinh hoạt và sản xuất trước khi đổ ra kênh, rạch rất hạn chế...
Do lấn chiếm kênh rạch, nhiều diện tích mặt nước và đất công bị mất, giao thông đường thủy bị cản trở, nghẽn dòng chảy gây ngập lụt triền miên ở khắp TP, môi trường ô nhiễm, sức khỏe và tính mạng của người dân sống ven kênh rạch bị đe dọa.
Một điều đáng buồn là trong khi TP đầu tư một nguồn kinh phí rất lớn để giải tỏa nhà ven và trên kênh, rạch, số vị trí kênh, rạch bị lấn chiếm vẫn tăng nhanh. Một bộ phận người dân còn thiếu ý thức, chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt mà quên đi hậu quả và hệ lụy lâu dài của việc lấn rạch. Một số hộ có nhà ven và trên kênh rạch ở nội thành, sau khi được giải tỏa, nhận tiền đền bù, lại ra vùng ven tiếp tục xây cất lấn chiếm kênh rạch để ở.
Trong khi đó, các địa phương thiếu quan tâm kiểm tra phát hiện và không kiên quyết xử lý cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm kênh, rạch. Các giải pháp ngăn chặn tình trạng kênh, rạch bị lấn chiếm để san lấp xây dựng, một số địa phương tỏ ra bất lực, thậm chí thờ ơ khi cho rằng nhân lực thiếu, kinh phí không có, hay việc lấp rạch xây nhà chỉ diễn ra vào ban đêm, xử lý không xuể…

Bất cập quản lý

Theo Khu Quản lý đường thủy nội địa (Sở GTVT TPHCM), khi phát hiện các hộ dân lấn chiếm, đơn vị này chỉ có thể lập biên bản hoặc báo cáo về địa phương để các đơn vị khác xử lý. Chính quy định này là bất cập cần được điều chỉnh. Ngoài ra, để tình trạng lấn chiếm diễn ra bát nháo như thời gian qua còn do quy định về các dự án có vị trí tiếp giáp sông, rạch trên địa bàn các quận đều được giao, thuê đất và phê duyệt quy hoạch trước thời điểm Quyết định 150/2004 của UBND TPHCM quy định về hành lang an toàn sông Sài Gòn có hiệu lực.
Khi đó, việc giao đất thuộc thẩm quyền của Sở TN-MT; phê duyệt quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền của Sở QH-KT. Như thế, những quyết định trước đó khi giao đất cho người dân đã vô tình chồng chéo lên các quyết định sau này.
Về thực trạng ô nhiễm kênh, rạch, đại diện Sở TN-MT cho biết, hiện việc quản lý môi trường, trong đó có vấn đề xả rác thải đã được TP phân cấp về cho các quận, huyện. Theo đó, lãnh đạo quận, huyện nào để rác phát sinh gây ô nhiễm môi trường sẽ phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, trên thực tế việc quản lý rác thải nếu phân chia ranh giới địa bàn chưa phù hợp.
Điển hình là sự xuất hiện các bãi rác tự phát, nằm trong khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện. Không chỉ thế, thực trạng ô nhiễm kênh, rạch lại càng khó xác định ranh giới quản lý và trách nhiệm người đứng đầu. Bởi lẽ, một tuyến kênh dài chảy qua nhiều quận, huyện, còn rác lại không dừng lại một điểm.
Do vậy, có tình trạng quận đầu nguồn nước quản lý kém, để người dân xả rác bừa bãi nhưng hậu quả ô nhiễm lại thuộc về những quận, huyện phía cuối nguồn nước. Đến khi người dân không thể chấp nhận cảnh sống chung ô nhiễm, khó tránh địa bàn này đổ trách nhiệm cho địa bàn kia.
Để xứng đáng là một đô thị văn minh, các cơ quan chức năng TPHCM cần kịp thời có giải pháp hiệu quả nhằm cứu lấy hệ thống kênh, rạch và phát huy vai trò thoát nước, giao thông thủy, tạo cảnh quan của chúng. Trước hết cần ngăn chặn ngay các công trình, dự án lấp, lấn chiếm kênh, rạch, trong đó, chú ý các khu vực nguồn của kênh rạch (như đồng ruộng, các dòng nước nhỏ), bởi khi mất nguồn dù kênh, rạch không bị lấn chiếm cũng sẽ giảm hoặc mất dòng chảy, dẫn đến bị bồi lắng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần quyết liệt giải quyết nạn xả rác xuống kênh, rạch thông qua tăng cường giám sát và xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục người dân nêu cao ý thức bảo vệ dòng chảy và môi trường sạch cho sông ngòi, kênh rạch.
Xã hội thường phải trả giá rất đắt cho tình trạng lấp kênh, sông rạch, nhất là ở những khu vực đô thị đông dân. Có thể nói, với nhiều hậu quả nhãn tiền như ô nhiễm, ngập úng hiện nay, việc san lấp kênh, rạch đang là nỗi lo lớn của chính quyền, người dân TP. Cùng với đó, hậu quả còn nặng nề gấp bội khi những dự án cải tạo lại tiêu tốn quá nhiều tiền bạc và công sức, chỉ vì ý thức của người dân xung quanh.
TS. LÊ HUY BÁ, chuyên gia đô thị
Đức Trung (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.