CafeLand - Sở hữu một quỹ đất lớn và cũng là một doanh nghiêp có tên tuổi trên thị trường bất động sản, Nam Long có nhiều triển vọng phát triển. Tuy vậy, cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, Nam Long cũng không thoát khỏi vòng xoáy khó khăn. Đặc biệt, với việc đổ tiền vào những dự án lớn ít tiềm năng khiến cho rủi ro của Nam Long không hề nhỏ.

Trên sàn chứng khoán cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng ít được giới đầu tư quan tâm nên thanh khoản khá thấp. Trong 6 tháng đầu năm, Nam Long là một trong khoảng 20 doanh nghiệp bất động sản bị thua lỗ.

WaterPoint là dự án có diện tích lớn nhất của Nam Long tại tỉnh Long An

Quỹ đất lớn, dự án khủng

Theo công bố của Nam Long, hiện nay doanh nghiệp này đang sở hữu quỹ đất 572ha ở khoảng 15 dự án khác nhau. Trong đó, 76% năm ở vùng ven Tp.HCM là Long An và Cần Thơ. Dự án có diện tích lớn nhất của Nam Long là WaterPoint tại tỉnh Long An. Theo thông tin từ chủ đầu tư dự án này có diện tích khoảng 355ha, tổng doanh thu dự kiến khoảng 5.141 tỷ đồng, chi phí 2.724 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến dự án sẽ mang về cho chủ đầu tư lợi nhuận sau thuế lên đến 1.813 tỷ đồng. Cũng theo thông tin từ chủ đầu tư, Nam Long đang sở hữu khoảng 89,3% dự án này, diện tích đã đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 330ha, diện tích cấp giấy chứng nhận quyền sở dụng đất khoảng gần 200ha. Song song với dự án “siêu khủng này” thì cũng tại Long An, Nam Long cũng đầu tư dự án Long An 36 với diện tích 35,5ha làm khu tái định cư cho những nhà bị giải phóng mặt bằng tại dự án Waterpoint.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Nam Long thì hiện công ty đã rót khoảng 1.325 tỷ đồng, tức hơn số vốn chủ sở hữu của chính công ty vào dự án này. Con số này cũng tương đương với gần 40% tổng tài sản của Nam Long. Hiện nay, Nam Long đang kêu gọi International Finance Coporation (IFC) đầu tư vào dự án này tuy nhiên khả năng hợp tác vẫn còn bỏ ngỏ. Như vậy, Công ty gần như đang đánh cược phần lớn tài sản của mình vào một dự án “siêu khủng” này và đang phải gồng gánh để nuôi nó.

Nguồn: BCTC DN

Nam Long được nhiều người biết đến không phải từ dự án “khủng” này mà là những căn hộ có tên “Ehome”. Theo đó, theo kế hoạch từ nay đến 2018 công ty dự kiến xây dựng hơn 10.000 căn hộ trong chuỗi Ehome. Hiện nay, Nam Long đang mở bán các căn hộ Ehome 5 The Bridgeview tại Tân Thuận Đông, Quận 7. Đây là dự án công ty đang sở hữu 100% vốn. Ngoài ra, Nam Long cũng đang mở bán khác trong “chuỗi” Ehome là Ehome 2,3,4. Trên báo cáo tài chính của Nam Long cho thấy Công ty mới chỉ đầu tư vào dự án này vài trăm tỷ đồng.

Không chỉ có các dự án đó, hiện Nam Long đang triển khai một loạt dự án khác như Dự án Nguyên Sơn, Dự án Cần Thơ, Dự án Bình Dương, Nhơn Trạch, Hồ Tràm… Theo dự kiến thì tổng đầu tư của những dự án này lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, tức gấp khoảng 4 lần tổng tài sản và gấp 10 lần vốn chủ sở hữu của công ty. Như vậy, dù rằng với quỹ đất lớn Tập đoàn Nam Long có nhiều tiềm năng phát triển nhưng rủi ro cũng sẽ không ít.

Kinh doanh sa sút, tồn kho ngày càng lớn

Cổ phiếu của Nam Long được niêm yết ngày 08/04/2013 với mã cổ phiếu là NLG. Ngay sau khi niêm yết, NLG đã có 4 phiên giảm sàn liên tiếp xuống chỉ còn khoảng 16.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó đã tăng lên đến 27.000 đồng/cổ phiếu. Hiện nay, cổ phiếu NLG đang được giao dịch quanh mức 18.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu NLG cũng được ít người biết đến do tính thanh khoản thấp.

Cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, hiệu quả kinh doanh của Nam Long liên tục sa sút trong những năm qua. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm thấy doanh thu của Tập đoàn này đạt 232 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, công ty vẫn phải chịu thua lỗ 16 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước công ty lỗ 62 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC DN

Trước đó, từ năm 2008 đến 2011 hiệu quả hoạt động của công ty khá cao với lợi nhuận hàng năm lên đến hơn 100 tỷ đồng và ROE duy trì xấp xỉ gần 20%/năm. Tuy nhiên, thời hoàng kim đó đến nay đã không còn khi năm các năm 2012, 2013 và nửa đầu năm 2014 doanh nghiệp chỉ có lợi nhuận rất thấp và doanh thu sụt giảm mạnh, thậm chí nửa đầu năm 2014 còn thua lỗ lớn. EPS của cổ phiếu NLG hiện nay ở mức rất thấp.

Tuy nhiên, may mắn đối với Nam Long là sức khỏe tài chính của Công ty không đến nỗi tệ. Tổng nợ của công ty hiện nay chỉ tương đương với vốn chủ sở hữu. So với những doanh nghiệp như Địa ốc Hoàng Quân, Phát Đạt, Sacomreal… thì đây là một tỷ lệ khá thấp. Trong đó, nợ vay của công ty chỉ chiếm 1/2 tổng nợ do vậy áp lực trả lãi cũng không lớn.

Vào tháng 3 vừa qua công ty đã phát hành thành công 25.500 triệu cổ phiếu một số nhà đầu tư với giá bán bình quân 18.000 đồng/cổ phiếu và huy động được 443 tỷ đồng. Vào cuối tháng 7 vừa qua Nam Long cũng đã phát hành thành công 350 tỷ đồng trái phiếu.

Như vậy, với số tiền huy động động đó phần nào đáp ứng tạm thời cho nhu cầu đầu tư rất lớn của công ty. Tuy nhiên, sự thành bại của Nam Long cũng là một yếu tố bí ẩn khi mà công ty đang đầu tư nhiều dự án lớn vượt xa khả năng mình. Điều đó cho thấy Nam Long không dễ dàng vượt qua được vòng xoáy khó khăn của ngành bất động sản trong thời gian tới.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm