Suốt nhiều tháng qua, đông đảo người dân thuộc xã Nghĩa An, huyện Nam Trực luôn trong trạng thái bất an, bức xúc trước nguy cơ mất đất sản xuất để “nhường chỗ” cho Dự án xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu do Công ty Bunda Footwear (có trụ sở chính tại Hồng Kông, Trung Quốc). Nhiều thông tin mập mờ, thiếu minh bạch về tính pháp lý của dự án dẫn đến người dân khiếu kiện đông người, phức tạp lên các cấp, ngành trong tỉnh, lên Trung ương.
Người dân cho rằng, họ đang bị chính quyền "lừa" bán đất sản xuất cho doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: HL

Đại diện hàng chục hộ dân có nguy cơ mất đất sản xuất tại xã Nghĩa An, ông Lê Văn Nông cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, năm 2014, nhân dân vừa triển khai dồn điền, đổi thửa xong, mới canh tác được 2 vụ, chuẩn bị được cấp sổ đỏ thì đầu năm 2016 Công ty Bunda Footwear về “chìa” văn bản của tỉnh ra để hỏi mua đất ruộng của nhân dân thực hiện Dự án xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu.

Theo phản ánh của người dân, ngày 13/5/2016, UBND tỉnh Nam Định mới có Văn bản số 994/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Dự án xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu tại xã Nghĩa An và xã Nam Cường, huyện Nam Trực. Tuy nhiên, suốt nhiều tháng liền trước đó, đại diện của xã, huyện phối hợp với phía Công ty Bunda Footwear liên tục vận động người dân bán đất để triển khai dự án.

Theo Văn bản số 994 của tỉnh, tổng mức đầu tư dự án là 1.405 tỷ đồng, tương đương 47,5 nghìn USD. Diện tích đất dự kiến 30ha, trong đó xã Nghĩa An là 28,1ha và xã Nam Cường là 1,9ha.

Quá trình triển khai lấy đất của dân, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện về họp với 2 chi bộ xóm 22, 24 thuộc xã Nghĩa An “hứa hẹn” sẽ tiến hành họp dân về việc triển khai dự án. Tuy nhiên, khi người dân chưa được họp bàn, chưa được thông tin về dự án thì loa đài phát thanh xã đã phát thông báo yêu cầu bà con lên UBND xã để “bán” đất cho Công ty Bunda Footwear.

Trong khi người dân chưa đồng thuận thì UBND xã Nghĩa An đã ký giấy mời gửi người dân tới trụ sở xã để “nhận tiền hỗ trợ do Nhà nước thu hồi đất trồng lúa cho Công ty Bunda”. Người dân bức xúc vì không hề có quyết định thu hồi của tỉnh đối với diện tích đất nông nghiệp đang sản xuất của họ. Người dân cho rằng họ đang bị chính quyền “đánh lừa” để bán đất cho doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Lê Văn Nông cho biết, khi người dân lên trụ sở xã thì phía Công ty Bunda Footwear đưa 5, 6 loại giấy tờ như đơn xin tự nguyện trả lại đất, biên bản thỏa thận về việc tự nguyện trả lại đất để Nhà nước thu hồi đất và cho Công ty Bunda Footwear thuê thực hiện Dự án nhà máy sản xuất giày xuất khẩu, thông báo về giá thỏa thuận… để người dân ký vào, lấy tiền luôn trước sự chứng kiến của chủ tịch UBND xã, bí thư xã, cán bộ địa chính, xóm trưởng.

Tuy nhiên khi kiểm tra thì người dân phát hiện nhiều văn bản chưa được điền tên, thông tin về thửa đất nhưng đã có chữ ký khống của xóm trưởng để phát cho nhân dân. Trong khi đó, người dân cũng không hề được thỏa thuận về mức giá mà được ấn định luôn ở mức 220 nghìn đồng/1m2, tương đương 79,2 triệu đồng/1 sào (bao gồm 20 nghìn đồng/1m2 tiền hỗ trợ thêm của công ty).

Do vậy, nhiều người dân không đồng ý, không ký vào các văn bản thỏa thuận với phía Công ty Bunda Footwear.

Trong khi người dân không nắm được thông tin về dự án thì xã, huyện tiếp tục “vận động” nhân dân phải bán đất bằng nhiều hình thức cho phía Công ty BundaFootwear gây tâm lý bức xúc, phản đối trong nhân dân dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu kiện phức tạp gửi lên các cấp, các ngành trong tỉnh, vượt cấp lên Trung ương.

Hàng chục hộ dân có nguy cơ mất đất sản xuất tại xã Nghĩa An chia sẻ, nguyện vọng của người dân giữ đất không muốn bán vì cả cuộc đời gắn liền với “bông lúa, củ khoai” đươc vun trồng trên thửa đất do ông cha để lại. Đến tuổi này, họ còn có thể làm gì khác nữa mà nếu họ bán ruộng đi lấy mấy chục triệu về ăn hết thì đời con cháu họ biết lấy gì ra ăn. Ngoài ra, thiếu thông tin khiến người dân nơm nớp nỗi lo về ô nhiễm môi trường khi triển khai dự án trong tương lai.

Nhiều người dân cho biết họ sẵn sàng hiến đất nếu Nhà nước có chủ trương thu hồi để làm điện, đường, trường, trạm hoặc các công trình công ích còn nếu việc thu hồi đất mập mờ như thế này thì họ nhất quyết không chấp thuận.

Phóng viên Báo Thanh tra đã liên hệ, làm việc với cơ quan chức năng xác minh các thông tin cho thấy nhiều phản ánh của người dân về các mập mờ xung quanh việc lấy đất của người dân để thực hiện dự án là có cơ sở.

Hoàng Long (Thanh tra)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.