Những con số kỷ lục
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết đến tháng 12, ước giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ đạt trên 95%. Năm nay, Bộ được Chính phủ giao giải ngân hơn 94.160 tỉ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022, gấp 2,2 lần năm 2021. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay.
Trong 10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật nhất năm 2023 trên Trang thông tin điện tử Chính phủ, những thành tựu trong phát triển hạ tầng giao thông lại được nhắc đến. Cụ thể, 2023 là năm có nhiều dự án cao tốc hoàn thành và khởi công mới nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 729 km đường cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892km, đồng thời đang thi công khoảng 1.700km cao tốc, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả nước có khoảng 3.000km đường cao tốc vào năm 2025, 5.000km cao tốc vào năm 2030.
Về hàng không, đã hoàn thành đưa vào khai thác Nhà ga hành khách T2, cảng hàng không Phú Bài, Điện Biên; xử lý dứt điểm vướng mắc để khởi công nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Hàng loạt dự án cao tốc hoàn thành và khởi công trong năm 2023
Trong năm qua, bên cạnh tiếp tục nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông ở các đô thị lớn, Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm cao khi hoàn thành và khởi công hàng loạt ở các dự án ở các khu vực vốn là vùng trũng hạ tầng như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tây Nguyên, khu vực miền núi phía Bắc.
ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành với diện tích tự nhiên chiếm 12,2% diện tích cả nước. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản lớn nhất của cả nước. ĐBSCL nằm tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với đầu tàu là TP.HCM.
Mặc dù vậy, ĐBSCL được cho là chưa phát huy hết tiềm năng kinh tế do còn nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông. Đặc biệt là các tuyến cao tốc kết nối vùng. Hiện nay, toàn vùng chỉ có 171km cao tốc quy mô 4 làn xe được đưa vào khai thác.
Để tháo gỡ rào cản này, tại một hội nghị diễn ra vào tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương vay ODA từ 6 đối tác phát triển lớn nhất với mức vốn 2,53 tỉ USD cho 16 dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Bộ Giao thông Vận tải cũng đặt mục tiêu với 8 dự án cao tốc đang triển khai, phấn đấu đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554km cao tốc.
Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Bất động sản Savills Việt Nam, cho rằng một trong những yếu tố quan trọng giúp thu hút nguồn vốn đầu tư ấn tượng trong thời gian qua đến lĩnh vực công nghiệp tại ĐBSCL là loạt dự án hạ tầng quan trọng. Chuyên gia này cho rằng, một khi mạng lưới này được đồng bộ và đi vào hoạt động, khu vực ĐBSCL sẽ có sự thay đổi lớn về diện mạo đô thị cũng như tăng trưởng kinh tế.
Dự án nối đuôi về đích
Sáng 24/12, tại Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố khánh thành cùng lúc 4 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trong cả nước. Đó là dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng ở khu vực ĐBSCL.
Hai công trình quan trọng này khi đưa vào sử dụng góp phần tạo nên tuyến cao tốc thông suốt nối TP.HCM với TP. Cần Thơ - “thủ phủ” miền Tây. Thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Cần Thơ được rút ngắn xuống chỉ còn 2 tiếng thay vì phải đi 3,5 tiếng như trước đây.
Hai dự án còn lại là cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ và nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên. Cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ có chiều dài 40,2km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km tổng vốn đấu tư hơn 3.700 tỉ đồng. Cao tốc này sẽ tăng cường kết nối giữa các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với Hà Nội. Đồng thời giảm tải cho quốc lộ 2, tăng hiệu quả khai thác của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Trong khi đó, sân bay Điện Biên sau khi mở rộng đã nâng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm.
Trước đó, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm khác cũng đã cán đích trong năm 2023. Cụ thể, tháng 10/2023, khánh thành cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài hơn 43km, tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỉ đồng và Nghi Sơn – Diễn Châu dài hơn 50km, tổng vốn đầu tư 7.300 tỉ đồng.
Tháng 5/2023, thông xe cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49km, tổng đầu tư hơn 7.600 tỉ đồng. Cũng thời gian này, tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100km qua 4 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam) của tỉnh Bình Thuận được đưa vào khai thác.
Cuối tháng 4/2023, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dài gần 100km, tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỉ đồng cũng được đưa vào sử dụng sau gần 3 năm thi công. Nhờ những tuyến cao tốc này, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến thành phố Phan Thiết giảm xuống còn 2 tiếng thay vì mất 4 đến 5 tiếng như trước đây. Hay từ TP.HCM đến Nha Trang chỉ còn 4 đến 5 tiếng, giảm hơn một nửa thời gian so với đi đường quốc lộ 1.
Tấp nập khởi công
Tháng 6/2023 là một khoảng thời gian vô cùng đặc biệt khi hàng loạt tuyến vành đai, cao tốc có vốn đầu tư “khủng” tại nhiều tỉnh thành đồng loạt được bấm nút khởi công. Cụ thể, tại Hà Nội, dự án Vành đai 4 – vùng thủ đô được khởi công có chiều dài 112,8km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5km, Hưng Yên là 20,3km, Bắc Ninh là 21,2km. Tổng vốn đầu tư của dự án là 85.800 tỉ đồng, phấn đấu hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Đường Vành đai 4 sau khi hoàn thành sẽ kết nối giao thông giữa Hà Nội với những tỉnh thành quanh khu vực. Đồng thời, dự án cũng tạo động lực cho sự hình thành và phát triển những vùng đô thị mới.
Tại khu vực phía Nam, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng vốn đầu tư hơn 75.000 tỉ kết nối TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An cũng chính thức khởi công. Theo kế hoạch, tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2026. Sau khi hoàn thành, đường Vành đai 3 sẽ là tuyến giao thông huyết mạch nối liền những trung tâm kinh tế lớn nhất của khu vực phía Nam. Đường Vành đai sẽ giảm tải cho các tuyến giao thông nội thành, đồng thời tạo nên một hành lang logistics với các hệ thống kho bãi, cảng cạn và cảng biển giữa các địa phương.
Cũng trong tháng 6/2023, tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu cũng được khởi động. Cao tốc này dài hơn 53km, tổng vốn đầu tư 18.000 tỉ đồng dự kiến sẽ về đích trong năm 2025. Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có vai trò quan trọng với mạng lưới giao thông của khu vực. Khi hoàn thành, hạ tầng này sẽ kết nối với nhiều dự án trọng điểm khác như sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 4…
Cùng thời điểm này, tại Đắk Lắk khởi công dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng vốn đầu tư hơn 22.000 tỉ đồng. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên nối khu vực Tây Nguyên với các tỉnh thành duyên hải miền Trung.
Tại khu vực ĐBSCL, tuyến cao tốc quan trọng Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài hơn 188km cũng khởi công trong năm qua. Dự án có tổng chi phí gần 44.700 tỉ đồng, đầu tư bằng vốn ngân sách. Đây sẽ là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại vùng ĐBSCL, kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia.
Trong năm 2023, một sự kiện không thể không nhắc đến là khởi công nhà ga sân bay quốc tế Long Thành. Đây là gói thầu có giá trị lên đến 35.000 tỉ đồng và được ví như “trái tim” của sân bay có công suất lên đến 100 triệu khách/năm sau khi hoàn thành các giai đoạn.
Để dành được hạng mục quan trọng này là “cuộc chiến” của những liên danh trong nước và quốc tế. Cuối cùng, liên danh Vietur là những người dành chiến thắng. Đây là đơn vị do doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu liên kết cùng những tên tuổi trong nước như Ricons, Newtecons, SOL E&C, Vinaconex, Công ty CP kết cấu ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee, Hancorp…
Hạ tầng mở lối, bất động sản theo sau
Trong lần trả lời phỏng vấn trên báo chí, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), nhận định một trong những nguyên tắc phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia là phải đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông.
Những dự án hạ tầng giao thông tạo lực đẩy quan trọng cho thị trường bất động sản
Bởi giao thông là “mạch máu” của nền kinh tế, đường đi đến đâu là kinh tế phát triển đến đó, đường đi đến đâu là văn minh lan tỏa đến đó… Hay nói cách khác, muốn phát triển kinh tế vĩ mô, phát triển toàn diện kinh tế của một quốc gia không thể không nói đến vai trò của hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.
Thực tế cho thấy, ở những địa phương có nền kinh tế phát triển ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai…đều có mạng lưới hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản. Trong khi nhiều địa phương khác, dù còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa thể phát huy thế mạnh do “điểm nghẽn” mang tên hạ tầng giao thông.
Hạ tầng giao thông phát triển không chỉ có ý nghĩa trong việc kết nối, luân chuyển hàng hoá, giảm tải cho các đô thị hiện hữu mà nó còn là “cánh cửa” mở ra những không gian phát triển đô thị mới. Hàng ngàn hecta đất dọc các tuyến đường mở mới nếu được khai thác hiệu quả sẽ là nguồn lực khổng lồ cho ngân sách nhà nước.
Chẳng hạn, theo kết quả rà soát sơ bộ của TP.HCM, quỹ đất vùng phụ cận dọc đường đai 3 TP.HCM qua địa bàn thành phố có khoảng 2.413,4ha, trong đó khoảng 514ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý. Dự kiến có thể khai thác bán đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỉ đồng.
Trong khi đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã lập quy hoạch chi tiết hai bên các tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Vành đai 5 - Vùng Thủ đô để khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các dự án hạ tầng kỹ thuật và hai bên đường tuyến đường để đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu cho ngân sách.
Làm sao để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến giao thông mới là chủ đề từng làm nóng nghị trường Quốc hội. Một đại biểu phát biểu: những dự án như Vành đai 3 TP.HCM hay Vành đai 4 sẽ biết hàng nghìn hecta đất trở thành “đất vàng, đất bạc”.
Khi tuyến đường này hình thành thì các vùng lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, khu công nghiệp. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng.
Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, vị đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.
Với thị trường bất động sản, hạ tầng giao thông luôn gắn liền như “hình với bóng”. Hạ tầng giao thông mở lối để hình thành nên các đô thị vệ tinh. Đây là nơi sẽ chia sẻ không gian đã quá tải ở các thành phố trung tâm, đồng thời mở ra cơ hội cho những người dân thành phố có thể tiếp cận với bất động sản giá thấp hơn.
Trong bối cảnh quỹ đất trung tâm đã cạn kiệt và vô cùng đất đỏ, các doanh nghiệp bất động sản nhờ vào sự phát triển của hạ tầng giao thông để có quỹ đất mới phát triển dự án.
Đối với nhà đầu tư bất động sản, đầu tư theo hạ tầng luôn là chiếc bánh hấp dẫn. Giá trị của miếng đất có thể nhân gấp nhiều lần sau khi một cây cầu, một cao tốc được đầu tư. Tuy nhiên, theo khuyến cao của nhiều chuyên gia hình thức này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định đầu tư ăn theo hạ tầng giao thông cần nguồn lực và tầm nhìn dài hạn. Một đô thị có sức sống bên cạnh hạ tầng kết nối còn phải đảm bảo hạ tầng xã hội, tiện ích để người dân về sinh sống, làm việc.
Chuyên gia này nhắc lại, những hình ảnh về một đô thị “ma” ở Nhơn Trạch có phần nguyên nhân không nhỏ từ việc cầu Cát Lái quy hoạch hơn 20 năm vẫn chưa xây dựng. Đây là bài học nhãn tiền cho việc đầu tư chạy theo hạ tầng nhưng trật nhịp.
-
Các công trình giao thông nghìn tỉ sẽ thông xe vào dịp 2/9
Dự kiến trong dịp lễ 2/9, nhiều công trình cao tốc, cầu vượt từ Bắc vào Nam sẽ khánh thành và cho thông xe.
-
Khám phá thông tin về tuyến metro số 1: Bạn có biết?
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo giao thông thành phố. Hãy cùng khám phá chi tiết giá vé, lộ trình và những lợi ích mà Metro số 1 mang lại....
-
Năm Bảy Bảy muốn rót gần 4.500 tỷ đồng cho dự án khu dân cư NBB Garden III
CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB) đã thông qua nội dung trình Đại hội cổ đông bất thường lần 1 năm 2024. Dự kiến, Đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 11/12 tại TP. HCM.
-
Chốt thời điểm bồi thường đất dự án Vành đai 2 qua TP. Thủ Đức
Dự án đường Vành đai 2 đoạn qua địa bàn TP. Thủ Đức sẽ tiến hành chi trả tiền bồi thường đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong tháng 12/2024 để khởi công theo kế hoạch.