08/02/2015 11:53 AM
Có nhiều thông tin khả quan cho thấy đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng kết thúc trong quí 1 năm nay. Nếu vậy, hiệp định được ký kết có thể có hiệu lực khoảng cuối năm 2016. Các cơ hội cho Việt Nam được bàn trong vài năm qua đang đến rất gần.

TPP... đang đến rất gần

Trưởng đoàn đàm phán của 12 nước tham gia TPP nhóm họp trong sáu ngày từ ngày 26-1-2015 tại New York (Mỹ) với kỳ vọng có thể đi đến những thỏa thuận thu hẹp bất đồng giữa các thành viên, mà trở ngại nổi cộm hiện nay là bất đồng giữa Mỹ và Nhật Bản liên quan đến các vấn đề về nông sản, ô tô. Chẳng hạn Mỹ yêu cầu Nhật Bản mở cửa cho nông sản nhập khẩu (thịt heo, thịt bò,...), trong khi nông sản là nhóm hàng mà Nhật kiên quyết bảo hộ.

Điều đáng chú ý, Mỹ và Nhật đều đang nỗ lực tối đa nhằm đạt được thỏa thuận TPP trong mùa xuân năm nay, sau năm năm đàm phán. Phiên đàm phán này cũng được xem là cơ hội để giải quyết các vấn đề sẽ được thảo luận trong cuộc họp cấp bộ trưởng các nước TPP dự kiến vào giữa tháng 3-2015, có khả năng được tổ chức tại Singapore.

Nhiều chuyên gia cũng như quan chức cho rằng mùa xuân là hạn chót để kết thúc đàm phán TPP vì cuối năm nay, tại Mỹ sẽ diễn ra chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Thậm chí, có chuyên gia kinh tế cho rằng cơ hội để có TPP là “bây giờ hoặc không bao giờ”.

Chính quyền Mỹ mới đây cũng cho thấy quyết tâm sớm ký kết các hiệp định quan trọng mà nước này đang theo đuổi như TPP. Trong thông điệp liên bang vào đầu năm 2015, Tổng thống Barack Obama đã hối thúc Quốc hội trao cho ông quyền thúc đẩy thương mại (Trade Promotion Authority - TPA). TPA hay còn được gọi là quyền đàm phán nhanh cho phép tổng thống ký kết các hiệp định thương mại và Quốc hội sẽ biểu quyết tán thành hoặc không mà không được thay đổi các nội dung của hiệp định.

Trong cuộc gặp gỡ báo giới thời gian gần đây, ông Ted Osius - tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nói ông rất tin tưởng TPP sẽ được ký kết. Ông còn nhấn mạnh hiện ông thấy chắc chắn về việc này hơn cả thời điểm cách đây vài tháng. “Tôi biết chắc rằng các nhà lãnh đạo của Mỹ cam kết hoàn thành TPP. Tôi lạc quan về việc Thượng viện Mỹ sẽ trao cho Tổng thống quyền thúc đẩy đàm phán”, ông nói. “Tổng thống muốn trình TPP lên Quốc hội vào mùa xuân này và hy vọng Quốc hội sẽ bỏ phiếu trong mùa hè”.

Nếu diễn biến đúng như kỳ vọng của các bên, nhiều khả năng đàm phán TPP được kết thúc trong đầu năm nay. Thời gian để quốc hội các nước thông qua các cam kết trong TPP được dự báo mất từ 1-1,5 năm. Theo đó, hiệp định này có thể được thực thi vào cuối năm tới.

Ai đang nắm chìa khóa?

Về phía Việt Nam, lợi ích từ TPP được bàn đến nhiều nhất trong thời gian qua là cơ hội xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường Mỹ, với thuế suất trung bình từ khoảng 17,5% giảm xuống còn 0%. Chìa khóa để có được ưu đãi này là hàng may mặc từ sợi đến cắt-may được thực hiện hoàn tất tại 12 nước TPP (hay còn gọi là quy tắc xuất xứ yarn-forward).

Về đầu tư vào khâu sợi đến dệt nhuộm (nhằm sản xuất vải - nút thắt của ngành dệt may Việt Nam), hiện nổi rõ ba đối tượng nhà đầu tư: các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); doanh nghiệp trong nước liên doanh với nước ngoài; doanh nghiệp trong nước thì có tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và các công ty con của Vinatex.

Về các doanh nghiệp nước ngoài, trong hai năm 2013 và 2014, nhiều doanh nghiệp từ Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan đã đến đăng ký đầu tư vào dệt nhuộm. Có nhiều doanh nghiệp đầu tư cả một chuỗi khép kín, từ dệt vải đến may mặc, như Công ty Gain Lucky Limited (thuộc tập đoàn may Trung Quốc Shenzhou International chuyên sản xuất trang phục cho các thương hiệu Nike, Adidas, Puma...), hay Công ty Forever Glorious (thuộc tập đoàn Sheico của Đài Loan).

Các liên doanh với nước ngoài thường là liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, lâu nay đã cung cấp vải cho các tập đoàn thời trang lớn trên thế giới. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng được đầu ra từ các đối tác này. Chẳng hạn Công ty Haputex Development Limited (Hồng Kông) góp 64% vốn cùng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Hương thành lập Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile để thực hiện dự án nhà máy sản xuất vải tại khu công nghiệp Việt Hương 2 (Bình Dương), tổng vốn đầu tư 120 triệu đô la Mỹ.

Từ năm ngoái, Vinatex cũng bắt đầu đầu tư 51 dự án, trong đó có 14 dự án sợi, 15 dự án dệt, 15 dự án may, và 7 dự án khác (hạ tầng, trường đào tạo...). Tổng mức đầu tư cho 15 dự án dệt nhuộm hơn 2.500 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Vinatex, trong hai năm 2015 và 2016, tập đoàn này và các công ty con tập trung đầu tư gần 10 dự án. Dự kiến đến hết năm 2016, tổng năng lực sản xuất vải dệt thoi từ nguồn sợi tại chỗ tăng thêm hơn 100 triệu mét (tăng 40% so với năng lực hiện nay), vải dệt kim tăng thêm 20.000 tấn/năm (tăng gấp đôi), sợi các loại thêm 29.000 tấn năm (tăng thêm 25%). Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, cho biết sau khi các dự án hoàn thành, toàn bộ lượng vải sản xuất ra khoảng 300 triệu mét chỉ mới đáp ứng 50-60% nhu cầu của các doanh nghiệp may thuộc tập đoàn. Do đó, số vải sản xuất được dự kiến sẽ không bán ra thị trường.

Kẻ chờ, người vội

Tính đến thời điểm này, nhìn chung, các dự án dệt nhuộm đăng ký đầu tư trong năm 2013, 2014 đều chưa hoàn tất. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong năm ngoái, Việt Nam cần 8,2 tỉ mét vải (năm 2013 là 7,4 tỉ mét vải), chủ yếu để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, trong đó, sản xuất trong nước cung cấp được 1,7 tỉ mét vải (năm 2013 là 1,4 tỉ mét vải), còn lại là nhập khẩu. Theo một người am hiểu thuộc Vitas, lượng cung vải trong nước tăng lên chủ yếu do các công ty hiện hữu tăng công suất.

Người này nói ông cảm thấy có tâm lý chờ đợi của doanh nghiệp, vì nếu đàm phán TPP kết thúc trong năm nay và được ký kết, phải đến cuối năm 2016 hiệp định mới được thực thi. Đó là chưa kể có khả năng nhiều loại vải vẫn được đưa vào danh sách nguồn cung thiếu hụt (short-supply list), tức khoảng 3-5 năm đầu tiên sau khi TPP có hiệu lực, doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc làm từ các loại vải này vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan. Có khả năng một số nhà đầu tư nước ngoài đăng ký để dành chỗ, và họ vẫn đang chờ đợi TPP được ký kết.

Hồi cuối năm ngoái, phó tổng giám đốc một công ty dệt may vốn nhà nước tại TPHCM cho biết công ty dự kiến đầu tư nhiều nhà máy dệt nhuộm trong năm 2015, 2016. Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể về kế hoạch và thời gian khởi công, ông nói vẫn đang chờ đợi TPP, để đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Thời điểm vị này chia sẻ là lúc TPP đang rơi vào bế tắc do các bất đồng trong đàm phán giữa Mỹ và Nhật.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp tư nhân đã và đang tìm kiếm cơ hội từ TPP. Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Hương, cho biết dự án sản xuất vải liên doanh giữa Việt Hương với Haputex Development Limited đang được xây dựng. Dự kiến đến tháng 8 năm nay, nhà máy dệt nhuộm bắt đầu được ráp máy và đi vào sản xuất từ tháng 11-2015.

Ông Chi cho biết, vải sản xuất ra chủ yếu cung cấp cho các khách hàng lâu năm của Haputex Development Limited, như Target (Mỹ), tức sẽ được giao cho các công ty may mặc sản xuất hàng cho Target và xuất khẩu sang Mỹ. Trong năm đầu hoạt động, công suất của nhà máy là 36 triệu mét vải/năm, năm thứ hai sẽ tăng lên 76 triệu mét, và đến năm thứ ba là 96 triệu mét. Tuy nhiên, hiện liên doanh này đã có đơn đặt hàng 50 triệu mét. Có nghĩa dù có hay chưa có TPP, công ty vẫn có khách hàng.

Ông Chi cho biết, nhìn chung các công ty thời trang Mỹ đang chuyển đơn đặt hàng may mặc từ Trung Quốc qua Việt Nam với tốc độ 10-15%/năm. Nếu có TPP, tốc độ này có thể lên 30%/năm. Ngoài nhà máy dệt nhuộm, dự kiến đến năm 2017, liên doanh này sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất sợi để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy dệt nhuộm.

Về phía các doanh nghiệp may, họ cho biết bản thân khách hàng của họ (thường là các công ty thời trang Mỹ) tìm kiếm nguồn cung vải tại Việt Nam, theo đó các công ty sản xuất vải tại Việt Nam (thường là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài) sẽ cung cấp vải cho nhà máy may mặc. Các công ty may sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ không lo ngại nhiều về nguồn cung vải trong nước, nhưng vấn đề là người được hưởng lợi chính từ TPP vẫn là các khách hàng Mỹ và các công ty đầu tư vào dệt nhuộm tại Việt Nam. Việc mà các công ty may mặc đang chuẩn bị là tăng năng lực may để đón đầu lượng đơn hàng có khả năng tăng cao.

Điều quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào dệt nhuộm là làm sao chen được vào chuỗi cung ứng của các công ty thời trang quốc tế. Tìm đối tác liên doanh để đảm bảo đầu ra là cách mà không ít các công ty tư nhân tại Việt Nam đang thực hiện.

Thu Nguyệt (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.