Ảnh minh họa
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết Chương trình hành động về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Đến năm 2030, phấn đấu khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam các đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang.
Đến năm 2045, Việt Nam sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Các tuyến khu đầu mối TP. HCM và Hà Nội được hoàn thành. Mạng lưới đường sắt đô thị tại hai đô thị lớn nhất cả nước được hoàn thành.
Bên cạnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ khởi công hàng loạt tuyến đường sắt kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế như Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, Thủ Thiêm - Long Thành, TP.HCM - Cần Thơ, và đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Về huy động nguồn lực để đầu tư vận tải giao thông đường sắt, từ 2025 - 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt (đặc biệt là đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam).
Từ năm 2025 - 2045, Bộ Tài chính ưu tiên tăng phân bổ ngân sách nhà nước bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; ưu tiên bố trí nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt.
Từ năm 2023 - 2045, Bộ Giao thông vận tải kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; tham gia đầu tư, kinh doanh phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải;...
Về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, theo báo cáo tiền khả thi được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ vào năm 2019, tuyến sẽ đi qua 20 tỉnh thành từ Hà Nội đến TP.HCM.
Đây là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h. Trên tuyến có 20 ga hành khách, đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán. Tổng mức đầu tư sau thẩm tra là 64 tỉ USD.
Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định Nhà nước sau khi đánh giá báo cáo tiền khả thi đã đưa ra đề xuất khác.
Cụ thể, sẽ đầu tư tuyến đường sắt vừa chở khách, vừa chở hàng tốc độ khai thác 225 km/h cho tàu khách, 160 km/h cho tàu hàng. Trên tuyến có 50 ga hành khách và 20 ga hàng hóa. Tổng mức đầu tư sơ bộ là 61 tỉ USD.
Vào tháng 3/2023, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và khởi công trước 2030.
Hai đoạn sẽ được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030 gồm Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Nha Trang.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV ngày 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong năm 2024.
-
Thông tin mới về việc nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam xây nhà máy tại Phú Yên để làm đường ray cho tàu tốc độ 350km/h
Cơ cấu sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép mà Hòa Phát đang xúc tiến triển tại Phú Yên sẽ phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khi đi vào hoạt động thương mại vào năm 2029....
-
Chỉ đạo mới của Chính phủ về dự án đường sắt hơn 1,7 triệu tỷ đồng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương phối hợp với các bộ ngành, địa phương dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2025....
-
Loạt “ông lớn” Vinaconex, Đèo Cả, Hòa Phát… đứng trước thời cơ chưa từng có
ACBS kỳ vọng các ông lớn ngành nguyên vật liệu xây dựng hạ tầng như Vinaconex, Đèo Cả, Hòa Phát sẽ bứt phá nhờ việc hưởng lợi từ cơ hội đầu tư công lớn nhất từ trước đến nay.