Chiều 27/12/2023, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024.


Tính đến ngày 25/12/2023, thu NSNN đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 25/12/2023, thu NSNN đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, bằng 104,5% (tăng 72,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán (ngân sách trung ương đạt 104,6% dự toán; ngân sách địa phương đạt 104,4% dự toán), giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, thu nội địa đạt 105,7% dự toán, thu từ dầu thô đạt 144,6% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán.
Về chi NSNN, tổng số chi NSNN đến ngày 31/12/2023 ước đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán.

Với kết quả thu, chi NSNN này, Bộ Tài chính cho biết, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Ước tính năm 2023, bội chi NSNN thực hiện khoảng 4% GDP, giảm 40,3 nghìn tỷ đồng so dự toán.

Năm 2024, dự toán thu NSNN được Quốc hội giao cho ngành Tài chính là 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm 84,9%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 12%.

Dự toán chi NSNN là 2,12 triệu tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 32%; dự toán chi thường xuyên chiếm khoảng 55,5%. Bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.

Để thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024 trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của tình hình địa chính trị, kinh tế trên thế giới và cả các yếu tố chủ quan của nội tại nền kinh tế, Bộ Tài chính cho biết tiếp tục tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh thực hiện các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ và lộ trình tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Trung ương.

Một trong những giải pháp trọng tâm được đưa ra đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Bộ Tài chính nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu NSNN, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế...

Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội các dự án sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, để tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, mở rộng cơ sở thu. Rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khuyến khích cạnh tranh phát triển. Hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật về thuế.

Điều chỉnh pháp luật về thuế phù hợp trong bối cảnh toàn cầu, đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư, tăng nguồn thu cho NSNN, đồng thời, có chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư ngoài thuế nhằm giữ chân các nhà đầu tư lớn, duy trì sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư...

Khánh Chi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.