Nợ xấu đến 30.9 đã được đưa về mức 3%, con số này sẽ được giữ vững đến hết năm 2015. Tuy nhiên, năm 2016, có duy trì được nợ xấu ở mức 3% hay không, thì còn phụ thuộc vào quản lý và chất lượng quản trị rủi ro của các TCTD. Với việc tái cơ cấu mãnh liệt vừa qua, các TCTD đã rút được nhiều kinh nghiệm, sẽ có những bước quản trị rủi ro tốt hơn và khả năng xử lý được triệt để hơn, qua đó tỉ lệ nợ xấu sẽ hạn chế phát sinh.
Đây là nhận định của ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), liên quan đến vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu thời gian vừa qua.
Theo ông Hùng thì ngay từ đầu năm 2015 VAMC đã xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu để mua nợ xấu là 80 nghìn tỉ đồng, đến 30.9, VAMC đã mua được 82 nghìn tỉ nợ xấu, vượt kế hoạch 2 nghìn tỉ so với kế hoạch ban đầu và trên cơ sở xây dựng kế hoạch giữa VAMC và các TCTD, hiện nay VAMC đã đề xuất với Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho phép bổ sung tăng phát hành trái phiếu lên 20 nghìn tỉ nữa, đến 31.12.2015 VAMC được phép mua 100 nghìn tỉ nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt.
Như vậy từ tháng 9 - 31.12.2015, còn khoảng 20 nghìn tỉ nữa, VAMC sẽ tiếp tục mua nợ xấu của các TCTD, trên cơ sở đó cộng với việc các TCTD xử lý nợ thông qua quỹ dự phòng rủi ro thì nợ xấu sẽ duy trì từ giờ đến 31.12.2015 là con số chắc chắn, và có thể thấp hơn.
Ông Hùng cho biết, tới đây VAMC sẽ tiếp tục xem xét mua và xử lý khối nợ xấu. Từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua được 224 nghìn tỉ đồng nợ gốc, 218 nghìn tỉ đồng nợ gốc nội bảng và 119 nghìn tỉ đồng trái phiếu đã phát hành ra để mua nợ xấu, với khối lượng hết sức lớn như vậy, năm 2016 VAMC phải chủ động phân loại đánh giá tất cả các khoản nợ của các TCTD, rà soát lại một lần cuối cùng, xem xét đối với các khoản nợ mà VAMC đã mua.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thời gian tới được Chủ tịch VAMC chỉ ra, đó là phải tổ chức mua nợ xấu theo giá thị trường, tuy nhiên để triển khai làm việc đó thì còn rất nhiều vấn đề kèm theo, vì liên quan đến tính pháp lý, xử lý như thế nào khoản nợ xấu dưới giá ra làm sao, bên cạnh đó phải có thị trường mua bán nợ.
Hiện nay trên thị trường của chỉ có mỗi Công ty TNHH Một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC), VAMC và các TCTD tham gia, như vậy việc xử lý bán lại khoản nợ đó sẽ rất khó khăn, bởi không có người mua. Bản thân DATC chỉ có vốn điều lệ, cũng như chỉ có thể mua lại khoản nợ đến 10 nghìn tỉ, với thị trường rộng lớn như vậy thì phải cần có thị trường mua bán nợ.
“Các tổ chức quốc tế hiện đang rất quan tâm đến vấn đề mua nợ xấu của Việt Nam, chính vì vậy cần phải có hành lang pháp lý để các TCTD tham gia vào việc xử lý mua nợ xấu. Bản thân VAMC rất muốn kêu gọi NĐT nước ngoài nếu quan tâm thực sự, cùng với VAMC tham gia vào, nếu vướng mắc khó khăn ở đâu sẽ cùng tháo gỡ, từ đó tìm ra lộ trình bước đi cho phù hợp.” - Chủ tịch VAMC nói.
Q.Hùng (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.