Nhà thu nhập thấp có giá dưới 1 tỉ đồng đang khan hiếm tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Hết thời làm nhà xã hội, nhà thu nhập thấp?
Vào giữa đến cuối năm 2012 là khoảng thời gian bận rộn của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, trong bối cảnh Chính phủ vừa ra Nghị quyết 2127/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Chiến lược đã đề ra nhiệm vụ của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng, điều chỉnh Chương trình phát triển nhà của địa phương, xây dựng và đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở. Đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đó là lúc người đứng đầu ngành Xây dựng liên tục vào Nam ra Bắc, tới các tỉnh Bình Dương, TPHCM, Hà Nội để thúc giục các địa phương, doanh nghiệp xây nhà xã hội. Gặp gỡ các doanh nghiệp BĐS, ông Dũng luôn hỏi: “Làm nhà ở xã hội được không?”. Và hàng loạt các đề xuất từ người đứng đầu ngành Xây dựng như nhà cao cấp ế chuyển sang nhà ở xã hội, hay như cho phép xé nhỏ chung cư cao cấp thành căn hộ thu nhập thấp. Và rồi sau đó, các năm tiếp theo hàng loạt các dự án nhà ở xã hội ra đời tại Hà Nội như Rice City Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai), EcoHom (Bắc Từ Liêm), 31 Trần Phú (Hà Đông)...
Nói dài dòng vậy để thấy, chỉ cách đây 4 năm đã có một phong trào rầm rộ xây nhà xã hội, nhà thu nhập thấp phù hợp với cung cầu thị trường khi nhà cao cấp đang quá thừa mứa.Tuy vậy, chỉ sau 4 năm, đọc lại các báo cáo tổng kết thị trường có thể nhận thấy các dự án nhà xã hội, nhà thu nhập thấp đang dần mất hút.
Theo số liệu thống kê từ nay đến năm 2017, thị trường TPHCM sẽ chào đón từ 50.000 - 60.000 căn hộ, phần lớn trong số này là thuộc phân khúc trung và cao cấp. Còn tại Hà Nội, GĐ Cty Đất Xanh miền Bắc Vũ Cương Quyết đưa ra nhận định, trong số hàng trăm giao dịch của đơn vị này trong tháng 11 vừa qua thì chủ yếu là phân khúc chung cư cao cấp và biệt thự liền kề. Thay vào đó, giao dịch nhà ở có mức giá vừa phải ở xa khu vực trung tâm lại có dấu hiệu chững lại.
Năm 2016 không khởi sắc với người thu nhập thấp
Lý giải việc bùng nổ nguồn cung cao cấp trong thời gian vừa qua, ông Võ Hữu Khoa - Phó tổng GĐ Cty CityLand, cho rằng xu hướng này đã từng xảy ra trước đây. “Khi thị trường bắt đầu ấm trở lại, các chủ đầu tư tập trung phát triển phân khúc cao cấp, vì đầu tư vào đây biên độ lợi nhuận cao hơn nhiều với nhà giá thấp. Mặt khác, hiện nay nhu cầu của các nhà đầu tư, đầu cơ đang tập trung vào phân khúc này” - ông Khoa nhận định.
Theo ông Khoa, xu hướng bùng nổ nguồn cung cao cấp sẽ tiếp tục trong năm 2016. Việc bùng nổ các dự án nhà trung, cao cấp và lượng hấp thụ tai các dự án nhà trong năm qua là cơ sở để nhiều ý kiến cho rằng năm 2016 là năm khởi sắc với thị trường BĐS.
Trong khi đó, vào những ngày cuối năm 2015, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra khảo sát rất đáng chú ý, hơn 40% hộ gia đình tại Việt Nam có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng, và với mức thu nhập này họ không đủ khả năng để mua nhà. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng người dân chỉ có thể tích lũy ở mức 30 - 40% tổng thu nhập của mình để dành cho việc mua nhà. Theo tính toán của ông Du, với giá nhà ở mức 9,7 triệu đồng/m2 thì những người có thu nhập từ 5 - 7,7 triệu đồng/tháng gần như không thể nào mua được nhà. Người có thu nhập từ 10,2 - 14,3 triệu đồng/tháng chỉ mua được nhà với diện tích từ 39 - 55m2. Muốn có một căn nhà rộng rãi hơn, phải có mức thu nhập khoảng 32 triệu đồng/tháng.
Nếu tin vào báo cáo này và tìm hiểu giá nhà trung bình tại Hà Nội và TPHCM, nhiều người sẽ choáng váng. Bởi, giá nhà bình quân tại Hà Nội trong quý IV/2015 là 25,6 triệu đồng/m2 và TPHCM cũng xấp xỉ như vậy (theo Savills Việt Nam). Nhìn vào mức giá nhà trung bình hơn 20 triệu đồng/m2 và mức giá chấp nhận được của người thu nhập thấp theo WB là gần 10 triệu đồng/m2, thì cơ hội mua nhà của người thu nhập thấp, trên thực tế, đã vuột khỏi tầm tay.