Tiếp tục bị siết vốn, thị trường địa ốc Hà Nội được các chuyên gia đánh giá sẽ còn giảm sức sống nhưng nhưng chưa đến mức "đột quỵ", vỡ bong bóng.

Tại diễn đàn Đầu tư Xây dựng và bất động sản Việt Nam kinh tế và triển vọng tổ chức ngày 26/8, ông Trần Đinh Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, với mục tiêu chống lạm phát đặt lên hàng đầu, Chính phủ không nên nới lỏng tín dụng cho bất động sản. Vị chuyên gia nhấn mạnh, nới lỏng tín dụng tức là phát ra tín hiệu thay đổi mục tiêu, đồng nghĩa với việc chống lạm phát giảm đi. Trước mắt cần hy sinh lợi ích ngắn hạn của doanh nghiệp để nghĩ đến vận mệnh của đất nước.


"Hôm tham vấn với Thủ tướng có cả lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tôi đã nói rõ là nới lỏng tín dụng rất nguy hiểm. Nếu thỏa mãn một số nhu cầu ngắn hạn của doanh nghiệp, hạ lãi suất thì sẽ bùng lên lạm phát và như thế là tai họa", ông Thiên chia sẻ.

Năm 2012 địa ốc vẫn chưa hết khó khăn
Địa ốc chưa đến mức bị đột quỵ. Ảnh Hoàng Lan

Theo chỉ tiêu Quốc hội, lạm phát năm nay cần được kiểm soát ở mức 7%. Tuy nhiên, kết thúc 5 tháng, chỉ số giá tiêu dùng cả nước đã tăng 12,03%, chỉ tiêu chống lạm phạt được nới lên mức 15%. Đến cuối tháng 6, Ủy ban Thường vụ Quốc lại tiếp tục giãn, đưa lạm phát cả năm không vượt quá 17%. Ông Trần Đình Thiên cho rằng, với mức lạm phát đang ở 15,68% thì để giữ mức 20% đã là may mắn, kéo xuống 17% đúng như mục tiêu là sự nỗ lực cố gắng không ngừng của cả nền kinh tế. Đặc biệt, thị trường bất động sản có yếu tố đầu cơ nặng nề và bị chi phối bởi nhiều nhóm lợi ích nên cần phải kiểm soát tín dụng và thận trọng với những nguồn vốn nóng.


"Lĩnh vực bất động sản sẽ còn khó khăn đến năm 2012. Vì nền kinh tế chung, các doanh nghiệp phải cắn răng chờ thời. Trong thời buổi khó khăn, ai cũng cần vốn không riêng gì địa ốc", ông Thiên nhấn mạnh.


Theo thống kê của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, đến tháng 6, dư nợ bất động sản tại các ngân hàng thương mại đã chiếm 9,94% tổng dự nợ, tương đương với 245.000 tỷ đồng. Ông Thiên cho rằng con số này vẫn ở ngưỡng an toàn và không cần thiết phải tiến hành một cuộc giải cứu thị trường bất động sản. Cũng theo ông Thiên, trước mắt cần đặt ra vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, xem xét dịch chuyển cung cầu để phân bổ nguồn vốn cho phù hợp, có như vậy địa ốc mới phát triển đúng hướng.


Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chống lạm phát thì cần phải thắt chặt tín dụng, nhưng không có nghĩa là dừng, bít van lại. Thêm vào đó, không nên phân định bất động sản thuộc sản xuất hay phi sản xuất, bởi nếu dòng tiền đọng lại không lưu thông thì không chỉ doanh nghiệp địa ốc mà chính ngân hàng cũng phá sản. "Vấn đề là phải điều tiết chính sách sao cho hài hòa. Lĩnh vực nào cung vượt cầu thì dừng lại, không cho vay, ngược lại những ngành cung còn ít, chưa đủ đáp ứng cầu thì vẫn phải mở van", ông Liêm chia sẻ.


Sau đợt sôi động hồi đầu năm, thị trường địa ốc Hà Nôi rơi vào cảnh trầm lắng, giao dịch chững lại ở hầu hết các phân khúc, hàng loạt dự án giảm giá. Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường cho rằng, trong những năm qua thị trường bất động sản phát triển quá nóng dẫn đến tình trạng nhiều nhà đầu tư tăng cung tiền, vay vốn đổ vào địa ốc, thu được lợi nhuận khổng lồ. Nhưng đến nay, họ phải lĩnh đủ do lạm phát gây ra là một hệ quả tất yếu.


Theo ông Võ, trong bối cảnh hiện nay, mặc dù thị trường trầm lắng nhưng chưa thể bị đột quỵ, không gây ra tác động xấu cho thị trường tiền tệ và khủng hoảng tài chính. Ông Võ phân tích, dư nợ tín dụng từ thế chấp bằng bất động sản đang ở mức dưới 10% tổng dư nợ, và ở con số này, dù có những đổ vỡ từ thị trường bất động sản cũng không gây đổ vỡ cho thị trường tai chính. Thêm vào đó, vị chuyên gia nhấn mạnh, giá bán bất động sản vẫn cao hơn mức giá thành sản xuất, bao gồm giá đất và giá xây dựng. "Các nhà đầu tư dù giảm 20%, vẫn chưa xuống tới giá thành và vẫn có lãi. Thị trường chưa thể rơi vào tình trạng vỡ bóng bóng", ông Võ cho hay.


Mặc dù địa ốc đang chững lại, song các chuyên gia cho rằng, kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ chung của tất cả các ngành, không ai được nghĩ riêng cho đơn vị mình. Kiềm chế lạm phát tất yếu sẽ làm giảm sức sống của thị trường nhưng đây cũng là thời điểm để thị trường "lột xác" trở thành một thực thể lành mạnh. Doanh nghiệp không nên "bắt" Nhà nước làm hai nhiệm vụ, vừa chống lạm phát, vừa bệ đỡ cho mình.


Ông Ross Lightfood, Giám đốc quốc gia về tiếp thị và kinh doanh, Công ty Knight Frank Việt Nam nhận định, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp trong nước cần định vị lại thị trường trước khi tung sản phẩm. Bản thân ông đã chứng kiến không ít sự bất cập của các đơn vị địa ốc từ thiết kế đến tư vấn. Các đại lý "lô ba lô bô" quảng cáo tiếp thị nhưng không biết người dân cần gì, đơn cử như một gia đình ít người nhưng doanh nghiệp quảng cáo căn hộ có tới 3 phòng ngủ. Thậm chí những dự án cao cấp lên tới 400 căn hộ nhưng chỉ có một bể bơi.


"Người ta sinh ra chỉ có một cái miệng và hai cái tai. Tôi cho rằng, doanh nghiệp địa ốc chỉ nên nói ít thôi và lắng nghe nhiều hơn xem nhu cầu khách hàng thực sự cần gì", ông Ross Lightfood khuyến cáo.

Theo Hoàng Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.