Từ đầu năm đến nay, giá đất trồng cây lâu năm ở các xã ngoại thành TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang được đẩy lên rất cao. Lý do, đất trồng cây lâu năm sau khi phân lô được chủ đất hay "cò" cam kết thoải mái xây dựng vì tỉnh cho phép. Nhưng thực tế không như hứa hẹn và nhiều người mua chỉ biết ngậm đắng nuốt cay!
Thủ thuật hiến đất làm đường
Hiện ở TP Mỹ Tho xuất hiện không ít những "ông chủ" thu gom đất trồng cây lâu năm với diện tích lớn, sau đó làm thủ tục hiến đất làm đường nhưng mục đích là phân lô, bán nền ồ ạt với mức giá được đẩy lên gấp nhiều lần so với thực tế.
Nhiều khách hàng mua đất tại dự án khu biệt thự Thanh Bình (Vũng Tàu) khi xây dựng đã bị cản trở với lý do đất đã được ngân hàng bán đấu giá cho bên thứ ba Ảnh: Ngọc Giang
Điển hình, ngày 5-6, lần theo trang Facebook của một người có tên Lộc, xưng là chủ của nhiều lô đất, phóng viên đặt vấn đề mua một nền đất được phân lô ở xã Đạo Thạnh (TP Mỹ Tho), người này cho biết: "Có nhiều nhưng giá từ 600 triệu đến 800 triệu đồng/nền, đường đi nội bộ 3 m, xe hơi chạy vi vu".
Khi đi xem thực tế, phóng viên hỏi mua nền đất trồng cây lâu năm có xây nhà được không? Lộc khẳng định: "Đất này cho nợ thổ cư nên cứ xây thoải mái, còn giấy phép thì không có gì khó".
Tương tự, khi phóng viên liên hệ với một chủ trang Facebook khác cùng bán đất nền ở khu vực trên, cũng nhận được những lời khẳng định tương tự kèm theo mồi chài: "Giờ anh không mua là mất cơ hội đó, đất khu này đang tăng từng ngày".
Khu đất này (ở Mỹ Tho), người mua không được “nợ” thổ cư để xây dựng nhưng người bán vẫn cam kết bừa để đẩy giá Ảnh: Minh Sơn
Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, những lời khẳng định trên là để đẩy giá hòng gài bẫy người mua, sự thật hoàn toàn khác. Bằng chứng là từ tháng 3-2019, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo không cho nợ thủ tục chuyển đổi thành thổ cư khi xây dựng đối với những khu đất trồng cây lâu năm phân lô nhưng chưa đủ cơ sở hạ tầng.
Điều này đồng nghĩa với việc ai lỡ mua đất trồng cây lâu năm với phía trước chỉ có con đường nhỏ thì không thể được cấp phép xây dựng như những gì người bán đã khẳng định.
Nạn nhân "ăn quả đắng" nêu trên là chị Nguyễn Thị Th. Hồi đầu tháng 4-2019, chị Th. mua một nền đất ở xã Đạo Thạnh khi được cam kết "thoải mái xây dựng vì được nợ thổ cư" nhưng khi tiến hành xin phép thì mới tá hỏa biết mình bị "gài".
"Hạ tầng không có gì ngoài con đường tự làm nên đâu có thuộc diện được nợ thổ cư. 800 triệu đồng tích cóp mua đất để xây nhà, ổn định cuộc sống của gia đình tôi coi như kẹt cứng. Nếu không được xây nhà thì lô đất vườn đó bán 200-300 triệu đồng chưa chắc tôi đã mua" - chị Th. bức xúc.
Tình cảnh của chị Th. cũng là của nhiều người lỡ mua nền đất trồng cây lâu năm với ý định xây nhà để "an cư lạc nghiệp". "Phải chi mình mua đất để đầu tư thì không tức. Đất mua rồi không thể trả lại nhưng tôi đề nghị các cơ quan chức năng hãy vào cuộc xử lý người bán ăn gian nói dối, mới mong không có thêm bị hại" - chị Th. kiến nghị.
Người mua lãnh đủ
Chuyện sập bẫy của chị Nguyễn Thị Th. hay những người lỡ mua nền đất trồng cây lâu năm so ra không bi đát bằng trường hợp của hàng chục gia đình mua nền trong dự án khu biệt thự Thanh Bình (phường 10, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) của Công ty TNHH Tư vấn - Dịch vụ - Thương mại Thanh Bình (gọi tắt là Công ty Thanh Bình, trụ sở tại TP HCM).
Công ty này, một mặt ký hợp đồng chuyển nhượng đất cho khách hàng nhưng đồng thời cũng thế chấp hầu hết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng và không còn khả năng chi trả. Đây là vụ việc đang gây chấn động thị trường bất động sản TP Vũng Tàu.
Theo tìm hiểu, dự án trên được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, kèm theo bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng chia lô được duyệt năm 2004.
Theo quy hoạch được duyệt, dự án gồm 211 lô đất, trong đó 53 lô đã được xây dựng xong và có người lưu trú, 28 lô có nhà xây thô, 21 lô đang hoàn thiện và 109 lô là đất trống; tổng diện tích dự án hơn 122.000 m2.
Từ 2007-2010, Công ty Thanh Bình do ông Phạm Quốc Dũng làm đại diện đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng các lô đất, xây nhà thô tại khu biệt thự.
Thế nhưng, mãi đến năm 2016, nhiều người mới phát hiện công ty đã thế chấp hầu hết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên công ty cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Nhà Bè, TP HCM.
Khách hàng Nguyễn Thị Ánh (ngụ TP HCM) trình bày: Năm 2004, bà và Công ty Thanh Bình ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án này gồm 4 lô, mỗi lô 300 m2, tổng giá trị chuyển nhượng hơn 3,7 tỉ đồng, bà đã thanh toán cho công ty 3 tỉ đồng.
Năm 2016, bà Ánh nắm được thông tin toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng khu A, trong đó có 4 lô đất của bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng công ty đã dùng toàn bộ giấy tờ này để mang đi thế chấp cho ngân hàng.
"Việc thế chấp này tôi và các khách hàng khác không hề được thông báo, công ty đã cố tình che giấu vụ việc trong hơn 14 năm. Có những hộ mua đất từ năm 2004, có những hộ mua đất và xác nhận chuyển nhượng sau khi đất đã bị thế chấp bảo lãnh vay ở ngân hàng" - bà Ánh bức xúc.
Tương tự bà Ánh, nhiều khách hàng mua đất tại dự án của Công ty Thanh Bình cũng đứng ngồi không yên. Không ít người vì sợ tài sản sẽ bị ngân hàng bán đấu giá nên nhanh chóng xây dựng theo thiết kế.
Địa phương nói gì?
Thế nhưng, theo chủ của một công trình biệt thự đang thi công ở dự án khu biệt thự Thanh Bình, hồi nửa cuối tháng 5-2019, khi đang cùng 10 thợ xây dựng nghỉ trưa tại công trình thì có khoảng 20 bảo vệ, vệ sĩ đến đuổi khỏi công trình.
Nhóm người trên còn ngang nhiên vứt đồ đạc, vật liệu xây dựng ra ngoài công trình và tuyên bố khu đất hiện đã thuộc sở hữu của một công ty có trụ sở tại TP HCM.
Trước tình hình phức tạp của vụ việc, Thành ủy TP Vũng Tàu đã tiếp một số người mua đất. Tại buổi tiếp, các hộ dân kiến nghị khẩn trương có biện pháp ngăn chặn việc bán đấu giá quyền sử dụng đất liên quan đến dự án; xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân; tổ chức thanh tra Công ty Thanh Bình…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND phường 10, vụ việc gây mất an ninh trật tự này đã manh nha từ cuối năm 2017 và đỉnh điểm là đầu năm 2019 đến nay.
Về phía người dân có đất, phường đã giải thích và người dân chấp hành khá tốt song phía đơn vị trúng đấu giá đã 2 lần đưa lực lượng tự phát đến yêu cầu người dân không xây dựng, gây áp lực cho đội thợ không dám thi công là không ổn.
"Phường có báo cáo TP Vũng Tàu, trong đó đề nghị có chỉ đạo để kịp thời ứng phó bảo đảm an ninh, xử lý tình huống các đối tượng quá khích gây mất an ninh trật tự" - ông Nghiệp thông tin.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, khẳng định vừa có báo cáo gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thời chỉ đạo công an nắm bắt tình hình, trường hợp có tổ chức cá nhân manh động sẽ mời về phường xử lý ngay.
Theo ông Thuấn, đây là quan hệ dân sự của người dân và chủ đầu tư nên UBND TP Vũng Tàu đã hướng dẫn người dân liên hệ phường để gửi đơn ra tòa án giải quyết.
Về vụ việc ở Mỹ Tho, chiều 6-6, một lãnh đạo UBND TP Mỹ Tho cho biết chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang có chỉ đạo UBND TP Mỹ Tho phối hợp các ngành chức năng tạm dừng việc các chủ đầu tư mua đất diện tích lớn rồi biến tướng bằng cách hiến đất làm đường nhưng thực chất là để phân lô bán nền. "UBND TP đã mời các ngành như thanh tra, xây dựng vào cuộc, hiện đang chờ kết luận của thanh tra để có hướng xử lý tiếp theo" - vị lãnh đạo trên khẳng định.
Đất đang tranh chấp vẫn cứ bán đấu giá? Tháng 4-2019, Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản Agribank là đơn vị thuộc Agribank đã có văn bản gửi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu hỗ trợ kiểm tra và ngăn chặn việc xây dựng trái phép vì các bên vay vốn vi phạm nghĩa vụ trả nợ và bên bảo đảm là Công ty Thanh Bình không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, do đó Agribank đang thực hiện thủ tục xử lý các tài sản để bảo đảm thu hồi nợ. Trong khi tranh chấp vẫn chưa có hồi kết thì ngày 21-5-2019, Agribank đã tổ chức đấu giá hơn 30.000 m2 đất ở dự án trên và bên trúng đấu giá là Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Đại Dũng (TP HCM). |
-
Tiền Giang phấn đấu khởi công Khu tái định cư thuộc dự án cầu hơn 5.000 tỉ đồng trong năm nay
Dự án khu tái định cư phục vụ công trình cầu Rạch Miễu 2 tại Tiền Giang đang được đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu khởi công trong năm 2024.
-
Gần 2.000 tỉ đồng xây đường ven sông nối TP. Mỹ Tho với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Tuyến đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định sẽ được UBND tỉnh Tiền Giang đầu tư với tổng kinh phí gần 2.000 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp kết nối đô thị Mỹ Tho với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam....
-
Liên danh Him Lam được giao gần 10ha đất vàng tại TP. Mỹ Tho để làm khu đô thị
UBND tỉnh Tiền giang vừa quyết định giao đất cho liên danh Công ty Him Lam để thực hiện dự án khu đô thị An Hòa gần 10ha tại TP. Mỹ Tho.