Ngày 8/7, chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức gửi thông báo áp mức thuế quan mới từ ngày 1/8/2025 đối với 15 quốc gia chưa đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Đây được xem là động thái cứng rắn tiếp theo trong chính sách thương mại của ông Trump nhằm tái cân bằng cán cân xuất nhập khẩu.
Mức thuế quan 20% hiện tại dành cho hàng hóa Việt Nam được đánh giá là thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực
Tổng thống Trump cũng cảnh báo, các quốc gia nếu có động thái trả đũa bằng cách nâng thuế với hàng hóa Mỹ sẽ phải đối mặt với mức thuế bổ sung tương ứng.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng tương đối trong khu vực. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Việt Nam hiện đang được áp mức thuế quan 20% – thấp hơn đáng kể so với nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan và Campuchia (36%), Indonesia (32%) hay Lào và Myanmar (40%). Trước đó, mức thuế từng bị đề xuất với Việt Nam lên đến 46%.
Tuy giữ được lợi thế thu hút FDI nhờ đạt thỏa thuận sớm với Mỹ, Việt Nam vẫn đối mặt với một thách thức riêng biệt: vấn đề “thuế trung chuyển”. Cụ thể, nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam có tỷ lệ nhập nguyên vật liệu rất cao, đặc biệt từ Trung Quốc – quốc gia đang chịu mức thuế trừng phạt cao từ Mỹ.
Điều này dẫn đến rủi ro các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị coi là “hàng hóa trung chuyển” nhằm lách thuế, và do đó vẫn có khả năng bị áp thuế cao nếu phía Mỹ siết chặt tiêu chuẩn xác định nguồn gốc xuất xứ.
Theo ACBS, tiêu điểm đàm phán trong thời gian tới của Việt Nam sẽ là làm rõ định nghĩa hàng “trung chuyển” và thương lượng tỷ lệ nội địa hóa đủ điều kiện để tránh bị áp thuế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng “những thông tin xấu nhất về thuế quan có thể tạm thời coi là đã lùi lại” sau bước đi chủ động của Việt Nam.
Việc duy trì được mức thuế thấp hơn mặt bằng chung khu vực không chỉ giúp Việt Nam giữ vững sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn mở ra cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu sang Mỹ trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang định hình lại.
Tuy nhiên, để duy trì lợi thế này, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh nội địa hóa sản xuất, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước bị áp thuế cao, đồng thời nâng cao tính minh bạch và tuân thủ trong xuất xứ hàng hóa nhằm tránh rủi ro bị điều tra hoặc điều chỉnh thuế trong tương lai.
-
VCBS: Mức thuế quan của Trump chưa đủ mạnh để kích hoạt xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Việt Nam
VCBS đánh giá sẽ không có làn sóng FDI ồ ạt rút khỏi Việt Nam, nhưng cảnh báo lượng đầu tư mới có thể chững lại.
-
Bức thư từ ông Trump hé lộ mức thuế mới dành cho 14 quốc gia
Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố sẽ áp mức thuế cao lên hàng nhập khẩu từ ít nhất 14 quốc gia, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, theo một loạt bài đăng trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 7/7.
-
Ông Trump vừa áp thuế 25% lên hàng hóa từ Nhật Bản và Hàn Quốc, giá vàng phản ứng ra sao?
Giá vàng thế giới đã thu hẹp đà giảm trong phiên giao dịch ngày 7/7 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 1/8. Động thái này khiến giới đầu tư tìm đến tài sản an toàn như vàng, dù đồng USD mạnh lên tiếp tục gây áp lực lên giá kim loại quý này.







