Công văn gần đây của Bộ Xây dựng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có viện dẫn Điều 4 Luật Kinh doanh bất động sản rằng “cho thuê” nhà là một hoạt động “kinh doanh bất động sản”. Vì vậy, Bộ Xây dựng cho rằng hoạt động cho người trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê nhà ở, cho thuê mặt bằng để kinh doanh đều là kinh doanh bất động sản.
Theo Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản thì “tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp (DN) hoặc hợp tác xã, phải có vốn pháp định và đăng ký kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, theo Luật Nhà ở thì hộ gia đình, cá nhân cho thuê nhà ở không cần phải thành lập DN, không cần đáp ứng điều kiện về vốn pháp định. Do vậy, Bộ Xây dựng hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân cho thuê nhà ở đăng ký dưới dạng hộ kinh doanh chứ không cần lập DN, không cần vốn pháp định. Tuy nhiên, cho thuê mặt bằng để kinh doanh thì phải thành lập DN, phải có đăng ký kinh doanh và có đủ vốn pháp định.
Còn theo Nghị định 153/2007 hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản thì kinh doanh bất động sản phải có vốn trên 6 tỉ đồng.
Câu chuyện Hà Đông
Một cán bộ quản lý của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết thêm về ngọn nguồn của công văn hướng dẫn trên. Thời gian qua, khi quận Hà Đông (Hà Nội) ngày càng thu hút đầu tư thì thương mại cũng phát triển, người nước ngoài đổ về sinh sống ngày càng nhiều. Vì vậy, nhiều người dân đăng ký kinh doanh cho người nước ngoài thuê nhà để ở hoặc cho thuê mặt bằng. Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi này băn khoăn, hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ này mới hỏi sang Bộ Xây dựng, sinh ra công văn trên.
Cán bộ trên cho rằng hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã tạo thuận lợi cho người dân vì người dân cho thuê nhà ở không phải lập DN, không cần phải có vốn 6 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo công văn của Bộ Xây dựng thì chủ nhà cho thuê mặt tiền để bán phở, mở tiệm cắt tóc, bán rau củ quả…, nói nôm na là cho người khác thuê nhà mà người ta có kinh doanh thì chủ nhà phải lập DN và có trên 6 tỉ đồng! Nếu áp dụng vào thực tế thì không phù hợp, sẽ có không ít chủ nhà phải ngưng cho thuê nhà vì không thể chứng minh có vốn trên 6 tỉ đồng. Hậu quả kéo theo là rất nhiều người phải chấm dứt việc kinh doanh do không tìm được “DN” cho thuê mặt bằng. Đời sống người dân, nền kinh tế bị ảnh hưởng chỉ vì chuyện phải lập DN mới được cho thuê nhà!
Cũng theo vị cán bộ quản lý trên, Bộ Xây dựng chỉ nhắc lại đúng quy định, còn nguồn gốc vấn đề bất hợp lý trên là do Luật Kinh doanh bất động sản quy định quá cứng, cần sửa lại quy định này, không nên xem việc cho thuê nhà ở của chủ nhà là kinh doanh bất động sản.
Lập hộ kinh doanh: Cũng tréo ngoe
Điều 92 Luật Nhà ở quy định về điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở. Theo đó, bên cho thuê nhà phải là chủ sở hữu và có năng lực hành vi dân sự chứ không đòi hỏi chủ nhà phải lập hộ kinh doanh. Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ nhà phải lập DN, có vốn trên 6 tỉ đồng.
Hướng dẫn của Bộ Xây dựng thì nói rằng chủ nhà cho người khác thuê nhà để ở thì lập hộ kinh doanh. Phương án của Bộ xem ra là “trung bình cộng” của hai phương án một dễ, một khó kể trên nhưng xem ra cũng không ổn.
Về mặt pháp lý, theo Nghị định 43/2010 về đăng ký DN thì một cá nhân, một hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trên toàn quốc và đăng ký kinh doanh tại một địa điểm. Như vậy, một cá nhân có hai căn nhà ở hai nơi, muốn cho thuê thì đăng ký ra sao? Không đăng ký thì trái hướng dẫn của Bộ Xây dựng mà đăng ký hai hộ kinh doanh cho thuê nhà ở thì trái Nghị định 43/2010!
Xem ra, nếu Bộ Xây dựng không hướng dẫn lại thì người dân có nhà cho thuê sẽ không biết phải xử lý thế nào.
Gánh nặng cho xã hội Cách đây vài tháng, tại quận 2, TP.HCM, nhiều chủ nhà đã bị mời đi họp để nghe phổ biến về việc đăng ký lập DN cho thuê nhà. Ông NMH, chủ một căn nhà tại phường An Phú, cho biết nhiều năm qua ông cho thuê nhà không phải đăng ký lập hộ kinh doanh hay DN gì cả, thu nhập từ việc cho thuê nhà thì ông vẫn nộp thuế đầy đủ. “Đăng ký, vận hành một DN đâu phải đơn giản. Rất nhiều chủ nhà là người đang có việc làm nên họ không có thời gian để điều hành một DN chỉ để kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà của chính mình. Đấy là chưa kể chi phí phát sinh, tác động dây chuyền. Thủ tục này là gánh nặng cho xã hội” - ông H. nhận định. Cán bộ sẽ không được cho thuê nhà (!!!) Theo Luật Phòng, chống tham nhũng thì cán bộ, công chức, viên chức không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành DN tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã. Như vậy, những người kể trên không đủ điều kiện cho thuê nhà để kinh doanh. |
-
Tác giả “Cha giàu cha nghèo” cảnh báo Airbnb có thể làm sụp đổ thị trường bất động sản
Tác giả cuốn sách nổi tiếng “Cha giàu cha nghèo” Robert Kiyosaki lo lắng rằng sự suy thoái của thị trường cho thuê ngắn hạn, dẫn đầu bởi Airbnb, là tiền đề có thể làm sụp đổ ngành bất động sản Mỹ....
-
3 rủi ro phổ biến nhất khi cho thuê bất động sản
Dưới đây là 3 rủi ro khi cho thuê bất động sản mà mọi nhà đầu tư cần phải hiểu rõ và cách phòng tránh chúng.
-
6 lưu ý khi cho gia đình có trẻ nhỏ thuê nhà
Bên cạnh thiết kế cũng như những tiện ích mà bất động sản sở hữu, người thuê nhà sẽ rất chú trọng đến một yếu tố khác, đó là sự an toàn, đặc biệt là nếu đối tượng thuê là gia đình có trẻ nhỏ....