Không ít người đã vay tiền mua nhà vì…ngẫu hứng, đến lúc lên kế hoạch trả nợ mới bắt đầu thấy áp lực.

Nhiều người khi nghe câu chuyện của Lê Công Tuấn (28 tuổi, quê Đắk Lắk) sẽ bảo anh liều lĩnh khi mua nhà mà chưa tính toán phương án tài chính cụ thể. Song Tuấn cho rằng nếu tập trung quá nhiều vào các rủi ro thì sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt. Tư tưởng lạc quan này không chỉ giúp Tuấn tậu nhà thành công trước tuổi 30 mà còn giúp anh duy trì cơ sở kinh doanh ổn định trong suốt 3 năm qua.

Anh Lê Công Tuấn tại căn hộ vừa mua

Chốt giao dịch mua nhà trong 1 tháng

Năm năm sinh sống tại TP.HCM, anh Tuấn đã gặt hái được một số thành công nhất định khi sở hữu một cửa hàng kinh doanh thời trang ở quận Phú Nhuận. Với lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh, anh đầu tư vào bất động sản theo lời khuyên của gia đình và người thân.

Năm 2020, anh Tuấn mua lô đất đầu tiên ở quê hương Đắk Lắk với giá 600 triệu đồng. Anh dự tính khi tích được đủ vốn sẽ đầu tư thêm một mảnh đất ở Buôn Ma Thuột – nơi anh dự định sẽ định cư lâu dài.

Quá trình sinh sống tại TP.HCM, anh Tuấn nhận thấy thời gian qua mình đang chi tiêu quá “phóng khoáng”, không tiết kiệm được nhiều tiền để thực hiện các kế hoạch tương lai. Sau khi trò chuyện với bạn bè, anh Tuấn thay đổi quyết định, chưa vội đầu tư đất mà sẽ mua nhà ở TP.HCM.

“Mua nhà để vừa để tìm chốn “an cư lạc nghiệp”, kết thúc giai đoạn “nhà thuê, ở trọ”, vừa tạo động lực kiếm tiền, ép bản thân vào khuôn khổ”, anh Tuấn cho biết.

Nói là làm, anh Tuấn lập tức lên mạng tìm kiếm các căn hộ chung cư đang rao bán. Anh xác định mức tài chính cho 1 căn nhà là khoảng 2-2,5 tỉ đồng. Sau thời gian tìm kiếm, anh đã tìm được căn hộ ưng ý tại một tòa chung cư ở quận 8. Căn hộ có 3 phòng ngủ 2 nhà vệ sinh rộng 79m2, được giao dịch với giá 2,2 tỉ đồng. Toàn bộ quá trình tìm kiếm cho đến khi chốt hợp đồng chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng.

“Cuối tháng 5 nghĩ đến chuyện mua nhà thì đầu tháng 6 đã đặt bút ký hợp đồng, đến đầu tháng 7 nhà đã sửa xong. Nhanh gọn lẹ, nhưng cũng là cả một quá trình gian nan! Gian nan nhất là tiền!”, anh Tuấn chia sẻ về quá trình mua nhà.

Kế hoạch ngẫu hứng và bài toàn tài chính

Anh Tuấn cho hay, việc mua nhà không nằm trong kế hoạch mà là chỉ là quyết định khi cao hứng. Quá trình bắt tay vào mua nhà anh cũng không tính toán quá nhiều mà chỉ dự phòng các chi phí chủ yếu trước và sẽ tìm cách bù đắp các khoản thiếu và phát sinh.

Thời điểm mua nhà, anh Tuấn chỉ có trong tay 600 triệu đồng, anh lựa chọn căn hộ đã bàn giao nên xác định sẽ phải chồng tiền thanh toàn trong một lần. Anh chỉ bắt đầu tính toán chi phi khi đã tìm được căn hộ ưng ý.

Cụ thể, căn hộ anh nhắm tới có giá 2,2 tỉ đồng, anh dự trù kinh phí làm nội thất khoảng 200 triệu đồng tương đương mức tài chính anh phải chuẩn bị là 2,4 tỉ đồng. Trừ đi khoản vốn tự thân, anh Tuấn sẽ phải huy động 1,8 tỉ đồng.

Đầu tiên, anh Tuấn nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình ở quê để vay vốn ngân hàng. Bằng việc thế chấp sổ đỏ, gia đình anh Tuấn đã vay được 1,5 tỉ đồng với lãi suất 12%/năm trong thời hạn 3 năm.

“Còn lại 300 triệu đồng, tôi vay bạn bè 100 triệu và nhờ mẹ vay thêm 200 triệu nữa để đủ kinh phí mua và sửa sang nhà”, anh Tuấn cho biết.

Anh Tuấn tính toán sẽ phải dự trù 50 triệu đồng/tháng trong vòng 3 năm để trang trải các khoản nợ.

Áp lực trả nợ

Dù đã xác định trước quá trình mua nhà bằng vốn vay sẽ không dễ dàng nhưng khi tính ra con số thực tế anh Tuấn mới cảm nhận được áp lực.

“Giờ nghĩ phải gánh trên lưng khoản nợ 1,8 tỉ hay phải chuẩn bị 50 triệu đồng/tháng để trả nợ thì áp lực vô cùng. Nhưng mình cần áp lực này vì thời gian qua mình sống hơi thoải mái, chưa thực sự có động lực kiếm tiền” anh Tuấn chia sẻ.

Anh Tuấn cho biết, thông qua việc kinh doanh, mỗi năm anh để dành được 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh đang làm thêm cho một cơ quan báo chí, công việc này cho anh một khoản thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, anh Tuấn chỉ vừa đủ để trang trải nợ, khó có thể để dành một khoản dự phòng cho các tình huống phát sinh.

“Muốn đảm bảo khả năng trả nợ thì trước hết phải đảm bảo cuộc sống, giảm thiểu áp lực để quá trình kiếm tiền diễn ra thuận lợi. Để có thêm 1 khoản kinh phí dự trù, mình nghĩ thời gian tới sẽ phải cắt giảm chi tiêu, hạn chế ăn ngoài, từ chối các cuộc hẹn không cần thiết. Tăng thời gian làm việc vừa kiếm được nhiều tiền hơn vừa giảm được thời gian vui chơi, tiêu xài”, anh Tuấn dự tính.

Duyên nợ với bất động sản

Anh Tuấn cho rằng quá trình mua nhà ở tuổi 28 là một trải nghiệm đáng nhớ, nhiều thăng trầm, gian nan chứ không suôn sẻ như anh nghĩ.

“Mọi người thấy tôi mua nhà nhanh nên nghĩ mọi chuyện thuận lợi nhưng sự thật không như thế. Quá trình tìm nhà cũng gặp rắc rối khi tôi phải làm việc với một công ty bất động sản thiếu chuyên nghiệp, phải chấp nhận mất cọc hơn 20 triệu đồng. Cuối cùng tôi đã liên hệ trực tiếp chủ đầu tư để giao dịch nhằm đảm bảo pháp lý rõ ràng.

Sau khi đã chốt nhà, tôi cũng lại suýt mất khoản cọc cả trăm triệu vì bố mẹ bất chợt đổi ý, không muốn mua nhà chung cư. Nếu tôi không kiên định chắc khó có thể thuyết phục được gia đình”, anh Tuấn cho biết.

Nhận thấy đổ tiền vào địa ốc không phải việc dễ dàng, anh Tuấn dự định sẽ tạm hoãn các kế hoạch đầu tư bất động sản trong tương lai, ít nhất là cho đến khi hoàn thành khoản nợ.

“Việc mua nhà đã khó như vậy chắc việc đầu tư sẽ còn phải đau đầu tính toán nhiều hơn. Trước mắt, mình sẽ tập trung đầu tư vào công việc kinh doanh của mình, sau này khi tích trữ được nhiều tài sản hơn thì sẽ tính đến chuyện “chen chân” vào thị trường địa ốc sau”, anh Tuấn chia sẻ

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.