06/09/2022 10:33 AM
Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn khi phải "chắt bóp" từng đồng để trả lãi ngân hàng, Quỳnh Trang (29 tuổi, Hà Nội) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng.

Lên kế hoạch chi tiêu nghiêm ngặt

Quỳnh Trang là cựu sinh viên khoa Báo Truyền hình, trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau khi tốt nghiệp, Trang được nhận làm tại một cơ quan báo chí có tiếng với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Ngoài công việc viết kịch bản, biên tập tin, Trang còn có thêm khoảng 4 triệu đồng từ công việc dẫn chương trình.

Chia sẻ về hành trình mua nhà của mình, Trang cho hay cô phải tiết kiệm, tích lũy trong suốt 6 năm. Trong thời gian đó, Trang vạch ra kế hoạch chi tiêu rất nghiêm ngặt.

Tiền sinh hoạt phí gói gọn từ 5-6 triệu đồng hàng tháng. Trong đó tiền thuê nhà, điện nước 1,5 triệu đồng/tháng, tiền ăn 2,5 triệu đồng và các chi phí khác khoảng 1-1,5 triệu đồng.

Trang cho biết cô gần như không chi cho việc mua sắm, chỉ mua những đồ dùng cần thiết, nên trung bình một tháng cô tiết kiệm khoảng 8 triệu đồng.

Sau 6 năm, vào cuối tháng 10/2020 khi đã có trong tay gần 600 triệu đồng, Trang tìm mua một căn hộ chung cư tại Long Biên với giá 1,2 tỉ đồng. Số tiền 600 triệu còn thiếu, cô vay từ người thân, bạn bè được 100 triệu và vay ngân hàng 500 triệu còn lại với lãi suất 8-10%/năm.

Theo đó, số tiền phải trả của Trang trong năm đầu tiên áp dụng lãi suất 8% gần 91 triệu đồng/năm (khoảng 7,6 triệu đồng/tháng). Với số tiền tiết kiệm được mỗi tháng, Trang không gặp khó khăn gì trong năm đầu tiên.

Ngoài là một Biên tập viên, Quỳnh Trang còn dẫn thêm bản tin để kiếm thêm thu nhập. (Ảnh minh họa)

Phải bán “cắt lỗ” vì áp lực trả nợ

Bắt đầu từ năm thứ hai, lãi ngân hàng được tính 10% nên số tiền chi gốc và lãi cho ngân hàng mỗi tháng tăng lên hơn 8 triệu đồng,Trang bắt đầu thấy áp lực.

“Năm đầu tiên mình thấy không có vấn đề gì, vì có tháng mình cố gắng nhận thêm chương trình bên ngoài cũng có chút dư dả. Nhưng đầu tháng 4/2022, tức là bước sang năm thứ hai trả lãi, mình bị ốm và mất giọng không dẫn được chỉ nhận được mức lương cứng. Số tiền đó, mình chi tiền sinh hoạt, thuốc thang khá nhiều nên phải vay mượn thêm bạn bè mới đủ tiền trả lãi ngân hàng”, Trang kể lại.

Tuy nhiên, nghĩ đến chặng đường phía trước, Trang thấy mệt mỏi và áp lực khi hàng tháng phải “chắt bóp” để trả nợ ngân hàng. Vì vậy, dù không muốn, Trang vẫn quyết định bán căn hộ mơ ước để tất toán với ngân hàng.

Hơn nữa, thời điểm bán nhà lại rơi đúng vào dịch bệnh bùng phát nên căn hộ của Trang bị ép giá: “Khách hàng nói căn hộ mình đã mua xa trung tâm lại thường xuyên kẹt xe nên trả giá xuống 1 tỉ. Mình cũng không còn cách nào khác. Giờ nghĩ lại mình thấy quá liều lĩnh khi mua nhà mà không tính toán kỹ”.

Nhắc đến khoảng thời gian “ác mộng” đó, Trang khuyên các bạn trẻ nếu có ý định mua nhà hãy vạch kế hoạch thật chi tiết, cẩn thận và quan trọng phải tích được đủ khoảng 70-80% giá trị căn nhà hãy “xuống tiền”.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.