Thị trường bất động sản đã chứng khiến nhiều vụ lừa đảo lớn liên quan đến việc chào bán khống nhiều dự án bất động sản lớn. Mặc dù bài học sau mỗi vụ việc đã quá cũ mòn thế nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn trượt dài theo vết xe đổ.

Giới đầu tư kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp hẳn không thể quên được vụ “nổ” lớn trên thị trường bất động sản năm 2010 tại dự án Thanh Hà –Cienco 5. Theo đó, công ty cổ phần dịch vụ, xây dựng 1/5 đã bán khống hàng trăm lô đất dự án Thanh Hà A, B thu lợi gần 300 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán.

Gặp lại phóng viên sau hơn 1 năm xảy ra sự việc, chị Thanh Vân (nhà đầu tư) cho biết, khoảng tiền gần 5 tỷ đồng đã đóng cho công ty 1/5 hiện chị mới nhận lại được 3,5 tỷ đồng, số còn lại chắc coi như mất.

“Thời điểm đó, dự án Thanh Hà rất nóng, giá tăng cao khiến tôi không còn tỉnh táo đã quyết định mua chung cùng vài người bạn, ai ngờ cơ sự lại thế này. Gia đình tôi lúc đó cũng lao đao bởi khoản tiền nộp cho công ty là rất lớn trong đó có cả những khoản vay phải trả lãi cho ngân hàng. Giờ tôi “cạch đến già” không dám mạo hiểm nữa”, chị Vân chia sẻ.

Mua đất trên giấy tờ: Mắc bẫy vì hám lợi

Bắt giam Lê Hòa Bình - chủ tịch HĐQT công ty 1/5

Không may mắn như chị Vân, anh Lê Văn Dũng – nhà đầu tư mua dự án “ma” khu nhà ở Phương Đông do Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam giờ "khóc dở mếu dở" vì gần 2 năm nay số tiền gần 7 tỷ đồng nộp cho công ty vẫn “biệt vô âm tín”. Không chỉ có anh Dũng mà còn hàng trăm các nhà đầu tư khác với tổng số tiền đã nộp hơn 250 tỷ đồng cho vị giám đốc Lê Hồng Bàng cũng đang "ngậm đắng nuốt cay".

Hay với nhà đầu tư mua dự án “khống” của công ty CP Petroconex do Lê Mãn Thân làm tổng giám đốc hiện giờ cũng trong cảnh “tiền mất tật mang” bởi với tổng số hơn 20 tỷ đồng của hàng chục nhà đầu tư hiện vẫn chưa ai lấy lại được đồng nào.

Mua đất trên giấy tờ: Mắc bẫy vì hám lợi

Lê Hồng Bàng TGĐ CTCP sàn bất động sản VN bị CQ CSĐT bắt giam

Mặc dù trên thị trường đã xảy ra rất nhiều vụ việc lừa đảo với hành vi tương tự. Hậu quả, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, vợ chồng li tán do hám lợi mà chấp nhận mạo hiểm. Thế nhưng, nhiều người vẫn không rút được kinh nghiệm khiến cho vụ việc lừa đảo như vậy vẫn còn đất sống.

Gần đây, vụ một số nhân viên công ty Tasco câu kết để đã lừa đảo khách hàng bán dự án Vân Canh với tổng số tiền thu được 40 tỷ đồng vừa được phanh phui.

Cũng liên quan đến dự án Vân Canh, mới đây cơ quan CSĐT (PC 46) vừa ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Kim Oanh (ở ngõ Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa). Trước đó, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Thị Kim Oanh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo tài liệu điều tra, mặc dù trong tay không có một tấc đất nhưng Oanh vẫn nhận đặt cọc hàng tỷ đồng của một số khách hàng mua 4 lô đất liền kề tại khu đô thị mới Vân Canh do Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD) là chủ đầu tư.

Mua đất trên giấy tờ: Mắc bẫy vì hám lợi

Lê Thị Kim Oanh tại cơ quan CSĐT

Để đảm bảo việc minh bạch hóa mọi thông tin bất động sản, Bộ xây dựng đã yêu cầu các chủ đầu tư và nhà đầu tư phải thực hiện việc mua bán giao dịch qua sàn. Thế nhưng, ngay cả khi tham gia giao dịch qua sàn nhà đầu tư vẫn ăn phải quả đắng. Vụ việc “ăn vênh” hơn 4 tỷ đồng tiền mua nhà ở thấp tầng tại Nam Trung Yên của sàn bất động sản UDIC là một trong ví dụ điển hình.

Một chuyên gia bất động sản cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến những vụ việc này xuất phát từ phía nhà đầu tư do quá ham lợi. Bởi, không ít nhà đầu tư cũng có kinh nghiệm, trước khi quyết định đầu tư họ cũng nắm được thông tin về dự án nhưng vì muốn có lợi nhuận cao nên họ chấp nhận mạo hiểm mua dự án khi chưa đủ giấy tờ pháp lý…

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cũng đã thừa nhận những sai phạm trong kinh doanh bất động sản đang diễn ra rất phổ biến đặc biệt hành vi lừa đảo khách hàng khi huy động vốn vào các dự án. Để kịp thời chấn chỉnh, tới đây Bộ này sẽ tăng cường thanh kiểm tra việc huy động vốn và mua bán chuyển nhượng bất động sản. Đặc biệt, sẽ kiểm tra các sàn giao dịch để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm về giao dịch mua bán. Kiên quyết xử lý các sàn giao dịch bất động sản cố tình vi phạm pháp luật.

Theo Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.