Báo cáo mới nhất của CBRE Việt Nam, TP HCM có nhiều thương vụ chào bán dự án thành công đều có sự can thiệp của nhà đầu tư ngoại. Ở mảng bất động sản bán lẻ, nhà đầu tư Thái Lan - Berli Jucker - đã hoàn tất thương vụ mua lại Metro Cash &Carry Việt Nam với giá gần 900 triệu USD trong khi Posco cũng kịp bán xong tòa tháp Diamond Plaza cho đối tác Hàn Quốc là Lotte Shopping.
Riêng ở phân khúc đất dự án, trong quý vừa qua, Keppel Land (Singapore) và Creed Group (Nhật) đã rót vốn vào 4 dự án nhà ở. Keppel Land mua một dự án của Công ty Tiến Phước với giá 26,7 triệu USD. Riêng Tập đoàn Creed công bố đầu tư 600 tỷ đồng vào dự án City Gate Towers thông qua việc đầu tư trái phiếu dự án của Công ty NBB. Ngoài ra, Creed Group cũng đã ký cam kết mua 50% cổ phần tại hai dự án khác là khu căn hộ NBB Garden II (11,51 ha) và NBB Garden III (8,16 ha).
Làn sóng đầu tư của khối ngoại đã tác động đến quá trình xúc tiến đầu tư của một số tỉnh thành phía Nam. Mới đây, UBND tỉnh Cần Thơ vừa mời các công ty Nhật đầu tư vào các dự án trọng điểm trên địa bàn. Ở hạng mục nhà ở, tỉnh chào mời nhà đầu tư Nhật tham gia phát triển Khu đô thị giải trí Cồn Khương, quận Ninh Kiều quy mô 93 ha, vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng và khu đô thị Võ Văn Kiệt 692 ha, dự kiến vốn 13.840 tỷ đồng.
Trong khi đó, ở hạng mục bất động sản du lịch giải trí, Cần Thơ chào nhà đầu tư Nhật dự án khách sạn 5 sao cồn Cái Khế, vốn đầu tư dự kiến 45,5 triệu USD và khu du lịch Cồn Sơn diện tích 74,4 ha tại quận Bình Thủy, cần 100 triệu USD.
Các thương vụ mua bán, đầu tư vào dự án bất động sản đang được khối ngoại đặc biệt quan tâm. Ảnh: Vũ Lê
Quý III/2014, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Tây Ninh vừa công bố nhiều dự án trọng điểm (đa số là bất động sản) mời gọi đầu tư giai đoạn 2013-2015, không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đó là các dự án phát triển Khu du lịch núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, khách sạn cao cấp (3-5 sao), khu dân cư ở phường 3, Thị xã Tây Ninh...
Theo báo cáo của RCA, các giao dịch đầu tư tại Việt Nam đang có xu hướng tăng lên trong 4 năm trở lại đây. Giai đoạn 2011-2013, trung bình mỗi năm ghi nhận 15 thương vụ. Năm 2014 sự tham gia của khối ngoại đang mạnh dần.
Chủ tịch Công ty Khải Hoàn Land, Nguyễn Khải Hoàn đánh giá, việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia ngày càng sâu vào thị trường bất động sản Việt Nam là tín hiệu tích cực. "Khi các dự án trong nước gặp khó khăn, tính chuyên nghiệp trong xử lý khủng hoảng cũng như tiềm lực về tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp thị trường tái khởi động trở lại, thậm chí chuyển động mạnh mẽ", ông Hoàn nhận định.
Chuyên gia này nhận xét, không riêng gì TP HCM, nhiều tỉnh thành cũng bắt đầu cởi mở hơn, chào mời nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức với các cơ chế chính sách ưu đãi thông thoáng hơn. Điều này mở ra cơ hội gọi vốn, hợp tác đầu tư, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản một cách chuyên nghiệp.
Theo ông Hoàn, xét ở khía cạnh mua bán dự án, sự xuất hiện của nhà đầu tư nước ngoài mang lại nhiều giải pháp cho các doanh nghiệp đang trong hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, nếu nhìn ở góc độ địa phương, mang dự án đi mời gọi nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại có thể cải thiện đáng kể môi trường đầu tư và thúc đẩy sự phát triển đô thị. "Dù khối ngoại rất khó tính và có xu hướng ưa chuộng đầu tư vào sản xuất tiêu dùng nhiều hơn nhưng họ vẫn đặc biệt quan tâm đến bất động sản nếu dự án có vị trí tốt và có thể thu về dòng tiền ổn định", ông Hoàn cho hay.
Một chuyên gia có hơn chục năm tư vấn M&A và đầu tư bất động sản tại TP HCM cho biết, các thương vụ mua bán dự án, xúc tiến đầu tư thường cần nhiều thời gian theo đuổi mới có thể thành công. Tuy nhiên, thị trường này ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và khối ngoại có dấu hiệu tăng tốc. "Tôi tin rằng trong thời gian tới, nếu các chính sách đầu tư bất động sản dành cho khối ngoại được nới rộng hơn thì các thương vụ M&A và đầu tư nước ngoài vào ngành này sẽ tăng lên đáng kể", ông nói.