Nắm giữ nhiều lợi thế trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thị trường nhà đất tại Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt,... luôn nhận được sự quan tâm của giới đầu tư ở trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.

Giao dịch đất nền tại Lâm Đồng tập trung chủ yếu ở đâu?

Ở thời điểm thị trường sôi động hay trầm lắng thì số lượng giao dịch đất nền tại huyện Đức Trọng, huyện Lâm Hà, huyện Bảo Lâm, huyện Di Linh, thành phố Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt luôn dẫn đầu các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trong năm 2022, số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng liên tục tăng mạnh và đạt đỉnh trong quý 2/2022. Cụ thể, trong quý 1/2022, trên toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có 12.467 giao dịch đất nền, thì sang đến quý 2/2022 lượng giao dịch tăng mạnh lên 19.669 giao dịch.

Thống kê từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm, trong quý 1/2022, số lượng giao dịch đất nền tại Lâm Đồng tập trung chủ yếu tại các địa phương theo thứ tự lần lượt là huyện Lâm Hà với 3.077 giao dịch, huyện Di Linh với 1.826 giao dịch, huyện Đức Trọng với 1.648 giao dịch, thành phố Đà Lạt với 1.162 giao dịch, huyện Bảo Lâm với 1.105 giao dịch, thành phố Bảo Lộc với 958 giao dịch.

Ở thời điểm thị trường sôi động nhất vào quý 2/2022, số lượng giao dịch đất nền tại Lâm Đồng tập trung chủ yếu tại các địa phương theo thứ tự lần lượt là huyện Lâm Hà với 4.126 giao dịch, huyện Bảo Lâm với 3.660 giao dịch, huyện Đức Trọng với 3.144 giao dịch, huyện Di Linh với 2.640 giao dịch, thành phố Đà Lạt với 1.398 giao dịch, thành phố Bảo Lộc với 1.379 giao dịch.

Sang đến quý 3 và quý 4/2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn về dòng vốn tín dụng eo hẹp, cộng với việc lãi suất cho vay ở mức cao đã khiến cho số cho số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng giảm mạnh còn 8.804 giao dịch và 6.633 giao dịch.

Bước sang quý 1 và quý 2/2023, số lượng giao dịch đất nền tại Lâm Đồng ghi nhận lần lượt 3.246 giao dịch và 5.160 giao dịch. Và gần đây nhất, trong quý 3 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 4.930 lô đất nền giao dịch thành công.

Ở thời điểm thị trường trầm lắng như quý 3/2023, số lượng giao dịch đất nền tại Lâm Đồng tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 1.079 giao dịch, huyện Lâm Hà với 807 giao dịch, huyện Đức Trọng với 788 giao dịch, huyện Di Linh với 699 giao dịch, thành phố Đà Lạt với 419 giao dịch, thành phố Bảo Lộc với 362 giao dịch,…

Chờ đợi gì trong tương lai?

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của các địa phương cấp huyện, trong đó có các địa phương có số lượng giao dịch đất nền thường xuyên dẫn đầu trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của các địa phương này cho biết những khu vực nằm trong quy hoạch triển khai các dự án khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch,… Đồng thời quy hoạch cũng cho biết các khu vực sẽ được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, trong đó có việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Ngày 2/10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Bảo Lộc.

Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố Bảo Lộc là 23.396 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp 18.798 ha và đất phi nông nghiệp 4.597 ha.

Đến năm 2030 thành phố Bảo Lộc có khoảng 1.133,41 ha đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp; 21,85 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.

Cũng trong ngày 2/10 vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 trên địa bàn huyện Bảo Lâm.

Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Bảo Lâm là 146.272 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp 134.799 ha; diện tích đất phi nông nghiệp 11.468 ha; diện tích đất chưa sử dụng là 5 ha.

Đến năm 2030, huyện Bảo Lâm có khoảng 2.195,4 ha đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp; 5,67 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở;…

Trước đó, ngày 29/9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 trên địa bàn huyện Đức Trọng.

Theo quy hoạch đến năm 2030, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Đức Trọng là 90.314 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp 78.548 ha; diện tích đất phi nông nghiệp 11.658 ha; diện tích đất chưa sử dụng là 108 ha.

Theo quy hoạch, đến năm 2030 huyện Đức Trọng có khoảng 2.405,03 ha đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp; 17,55 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.

Riêng tại huyện Di Linh, quy hoạch đến năm 2030 địa phương này có 161.316 ha đất tự nhiên. Trong đó có 150.695 ha đất nông nghiệp; 10.570 ha đất phi nông nghiệp; 50 ha đất chưa sử dụng.

Đến năm 2030, huyện Di Linh có khoảng 1.464,07 ha đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp; 17,57 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở;…

Tương tự, theo quy hoạch đến năm 2030 huyện Lâm Hà có 86.296 ha đất nông nghiệp; 6.716 ha đất phi nông nghiệp; 15 ha đất chưa sử dụng.

Huyện Lâm Hà sẽ có khoảng 946 ha đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp; 240 ha đất chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; 15,6 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở. Quy hoạch đến năm 2030 địa phương này sẽ đưa 340 ha đất chưa sử dụng vào sử dụng.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.