19/04/2022 12:16 AM
Thành phố Hà Nội cho biết sẽ tập trung xử lý nghiêm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.

Ảnh minh hoạ

Tại kỳ họp chuyên đề vừa qua, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố này.

Đây là vấn đề nhức nhối được dư luận đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian vừa qua.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đối với các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, qua rà soát 135 dự án cho thấy thành phố có 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt.

Trong đó có 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh, nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND Thành phố.

Ngoài ra, có 38 dự án đã chấm dứt hoạt động dự án theo quy định, và có 74 dự án đã được UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý.

Đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, qua rà soát 404 dự án thấy có 29 dự án với tổng diện tích trên 1.800ha đất được kiến nghị trình UBND Thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất.

Ngoài ra, có 60 dự án với tổng diện tích 95ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND Thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng. Số tiền tương ứng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với thời gian gia hạn 24 tháng là trên 209 tỉ đồng.

Trong nhóm dự án này còn có 63 dự án với tổng diện tích trên 1.420ha đất chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; 20 dự án với tổng diện tích trên 92ha đất chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính; 136 dự án có các vi phạm khác.

Đánh giá của UBND TP. Hà Nội cũng cho thấy, còn nhiều dự án chậm tiến độ, chậm triển khai.

Một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, không thực hiện các thủ tục để triển khai. Một số dự án phát triển nhà ở thương mại, xây dựng đô thị mới đã thực hiện huy động vốn từ các đối tác tham gia hoặc từ người mua nhà nhưng chậm triển khai, không bàn giao nhà đúng tiến độ cam kết dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Liên quan đến vấn đề này, trong một sự kiện mới đây, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng có tình trạng những doanh nghiệp để đất từ năm 2012 đến giờ mới triển khai, hoặc có mục tiêu làm thủ tục dự án càng chậm càng tốt để đợi giá đất lên rồi bán sản phẩm thương mại. Thậm chí, có doanh nghiệp mua đất 1.500 tỉ đồng nhưng sẵn sàng nộp phạt 1.200 tỉ đồng.

Ông Thọ cho biết dự kiến trong nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 19 sẽ áp dụng các biện pháp tài chính như một số quốc giá đã làm.

Điển hình như Úc đánh thuế 5% khi doanh nghiệp tự nguyện khai báo triển khai chậm và áp dụng 20% nếu nhà nước đi điều tra. Ở Hàn Quốc, nếu chậm thực hiện dự án sau 7 năm đóng thuế 9%, sau 10 năm đóng 10%.

“Nghị định này đặc biệt quan trọng bởi đất đai một khi đã đưa ra quyết định thì sau này rất khó để thay đổi”, ông Thọ nhấn mạnh và mong rằng các giải pháp lần này sẽ hạn chế việc để đất bỏ hoang trong thời gian quá lâu.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc đánh thuế rất quan trọng nhằm chặn đứng đầu cơ tài nguyên dài hạn.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.