31/05/2023 11:01 AM
4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ đạt 2 tỷ USD, giảm 39,5% so với cùng kỳ năm 2022. Thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ có thể tiếp tục sụt giảm trước những ảnh hưởng từ lạm phát và suy thoái kinh tế tại quốc gia này.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ trong tháng 4 đạt 633,5 triệu USD, giảm 32% so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 2 tỷ USD, giảm 39,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện tại, lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao, sức cầu yếu khiến hầu hết mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này đều ghi nhận mức giảm mạnh kể từ đầu năm. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao, đạt 1,2 tỷ USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 98 triệu USD, giảm 54%; cửa gỗ đạt 4,1 triệu USD, giảm 43%.

Xuất khẩu các mặt hàng gỗ sang Mỹ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong những tháng đầu năm 2023

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ có thể tiếp tục sụt giảm trước những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp. Dù vậy, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ, với trị giá xuất khẩu chiếm 52% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Động thái tăng lãi suất của Fed, cùng với tình trạng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường của người tiêu dùng Mỹ, sẽ tiếp tục gia tăng thêm khó khăn cho các ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ.

Bên cạnh khó khăn do tình trạng sụt giảm mạnh đơn hàng, các nhà sản xuất Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh - sạch, vật liệu bền vững, hay những rào cản về phòng vệ thương mại.

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa có thông báo tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.

Thông tin này vừa được Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) xác nhận, đồng thời cho biết, DOC dự kiến ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 14/7/2023.

Trước đó, ngày 25 /7/2022, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc, cho rằng sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc.

Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác không bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, mức thuế tạm tính có thể lên đến 378,26%, áp dụng đối với các lô hàng được nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 17/6/2020. Tuy nhiên, DOC cho phép các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác trong quá trình điều tra được tự xác nhận không sử dụng nguyên liệu Trung Quốc để không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.