Bỗng dưng bị thi hành án
Vào năm 2009, 6 hộ dân mua 6 căn nhà tại KP.5, P.Thới An, Q.12, TP.HCM có nguồn gốc của bà Dương Thị Hằng (ngụ tại KP.4, P.Tân Thới Hiệp, Q.12). Tuy nhiên, các hộ dân này chỉ mua bán bằng hợp đồng viết tay, không qua công chứng. Mỗi căn nhà có diện tích trên dưới 30 m2 với giá tiền khoảng 400 triệu đồng. Từ đó về sau, 6 hộ dân vẫn tiếp tục cư ngụ ổn định trong các căn nhà này và yên tâm chờ bà Hằng làm thủ tục tách thửa sang tên cho mình như đã hứa.
Cùng một lô đất nhưng lại được bán cho nhiều người, khiến các hộ dân khốn đốn - Ảnh: Hải Nam
Đến đầu năm 2013, các hộ bỗng dưng nhận được giấy mời của Chi cục Thi hành án dân sự Q.12 làm việc với nội dung yêu cầu giao nhà đất để phát mãi. Lúc này, 6 hộ dân mới tá hỏa khi biết rằng cả khu đất trên đang được thế chấp ngân hàng. Tiếp sau đó, đến ngày 26.2.2013, Chi cục Thi hành án Q.12 ra quyết định cưỡng chế kê biên toàn bộ nhà đất nói trên khiến các hộ dân vô cùng hoang mang.
Có dấu hiệu lừa đảo
Có dấu hiệu của tội lừa đảo Theo luật sư Lê Quang Vũ - Văn phòng luật sư Người Nghèo (TP.HCM), một miếng đất mà bán cho nhiều người rồi bỏ trốn là có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Luật sư Vũ cũng cho rằng để giải quyết dứt điểm vụ việc, cần phải khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra. |
Diện tích đất trên (174,8 m2) có 6 căn nhà được bà Dương Thị Hằng ký giấy tay bán cho một số hộ dân vào năm 2009. Sau đó, những hộ dân này mới bán bằng giấy tay lòng vòng qua nhiều người rồi cuối cùng mới đến 6 hộ dân nói trên. Tuy nhiên, đến tháng 3.2010, bà Hằng lại tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ lô đất này cho vợ chồng ông Lê Trung Kiên và bà Phan Thị Lan Anh. Sau khi được sang tên, tháng 7.2010, ông Kiên đã đem giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp cho Ngân hàng NN - PTNT chi nhánh Nam Hoa để vay 800 triệu đồng.
Đến kỳ hạn, do ông Kiên không thanh toán nên ngân hàng đã khởi kiện, ngày 16.11.2012, TAND Q.12 đã ra bản án buộc ông Kiên và bà Anh phải trả cho ngân hàng hơn 900 triệu đồng (cả gốc và lãi). Bản án cũng nêu rõ, nếu ông Kiên và bà Anh không thực hiện sẽ phát mãi tài sản thế chấp là nhà đất nói trên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Duy Nghĩa - chấp hành viên Chi cục Thi hành án Q.12 - cho biết cơ quan thi hành án đã căn cứ vào bản án trên để tiến hành kê biên tài sản là đúng pháp luật. Hiện nay, việc cưỡng chế thi hành án đang tạm thời ngưng lại để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân, Chi cục Thi hành án Q.12 cũng đã hướng dẫn bà con khởi kiện tại tòa bằng một vụ án khác để xác định tài sản kê biên thuộc về ai làm cơ sở để giải quyết việc thi hành án.
Tại sao một lô đất lại được bán cho nhiều người? Liệu đây có phải là một vụ lừa đảo hay không? Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó chủ tịch UBND P.Thới An, Q.12, cho biết các hộ dân mua nhà đất bằng hợp đồng giấy tay nên phường không thể biết được. Pháp luật chỉ công nhận giao dịch giữa bà Hằng với ông Kiên vì hợp đồng có công chứng. Hiện tại, phường đã mời các bên lên hòa giải để bảo đảm quyền lợi cho các hộ. “Nếu xét thấy có dấu hiệu bị lừa đảo thì các hộ dân nên làm đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT Q.12 để bảo vệ quyền lợi”, ông Đạt nói. Tuy nhiên, trách nhiệm của bà Hằng như thế nào thì vẫn chưa được cơ quan chức năng đề cập tới. Trong khi đó, một số hộ dân mua nhà cho biết họ cũng đã đến nhà tìm bà Hằng để giải quyết nhưng bà Hằng đã bỏ đi đâu không rõ.
-
Lùm xùm quanh vụ tranh chấp đòi nhà: Mất nhà sau 31 năm định cư?
Khi nhận đơn khiếu nại của bà Phùng Tam (SN 1930, ngụ P7, quận Bình Thạnh, TPHCM), chúng tôi thấy phân vân trước những bức xúc của gia đình. Ngày xưa, bà mua căn nhà mà chỉ có mỗi tờ giấy ủy quyền người bán ký cho bà toàn quyền sử dụng. Để rồi mấy chục năm sau, bà bất ngờ trở thành bị đơn trong vụ tranh chấp đòi nhà (được định giá khoảng 11 tỷ đồng)... Trải qua hai phiên xét xử, bà thua kiện và có nguy cơ mất nhà, nhưng nhiều tình tiết trong vụ án cần được làm sáng tỏ.