26/04/2013 7:54 PM
Khi nhận đơn khiếu nại của bà Phùng Tam (SN 1930, ngụ P7, quận Bình Thạnh, TPHCM), chúng tôi thấy phân vân trước những bức xúc của gia đình. Ngày xưa, bà mua căn nhà mà chỉ có mỗi tờ giấy ủy quyền người bán ký cho bà toàn quyền sử dụng. Để rồi mấy chục năm sau, bà bất ngờ trở thành bị đơn trong vụ tranh chấp đòi nhà (được định giá khoảng 11 tỷ đồng)... Trải qua hai phiên xét xử, bà thua kiện và có nguy cơ mất nhà, nhưng nhiều tình tiết trong vụ án cần được làm sáng tỏ.

Bỗng Dưng bị kiện

Có mặt tại tòa soạn, bà Nguyễn Thị Thúy Liên - con gái bà Tam, đại diện ủy quyền - trình bày vụ việc. Tháng 8-1982, do có nhu cầu về nhà ở, bà Tam mua nhà đất tại số 7G Nơ Trang Long, P7Q.Bình Thạnh của bà Nguyễn Thị Sâm với giá 26 lượng vàng. Thời điểm ấy, do bà Sâm chuẩn bị ra nước ngoài định cư nên hai bên chỉ thỏa thuận bằng tờ giấy ủy quyền không thời hạn ký ngày 15-11-1982 với nội dung bà Tam được quyền quản lý sử dụng căn nhà trên. Sau đó không lâu, bà Sâm đi nước ngoài, gia đình bà Tam chuyển về căn nhà này sinh sống và nhập hộ khẩu tại đây.

Đùng một cái đến năm 2008 bà Sâm khởi kiện bà Tam ra tòa trong vụ “tranh chấp đòi nhà”. Ngày 29-11-2011, Tòa án nhân dân TPHCM mở phiên xét xử, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn: buộc gia đình bà Tam phải trả căn nhà trên cho bà Sâm.

Quá uất ức, bà Tam làm đơn kháng cáo vì cho rằng tòa xét xử thiếu căn cứ, nguyên đơn chưa chứng minh được bản thân là chủ sở hữu căn nhà này, đồng thời phiên sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng khi không đưa đủ những người liên quan vào tham gia tố tụng.

Trong quá trình thụ lý đơn, ngày 14-3-2012 Tòa phúc thẩm TAND tối cao đã gởi công văn cho các cơ quan chức năng, trong đó đính kèm các câu hỏi liên quan đến tình trạng pháp lý của nhà 7G, có thuộc đối tượng do nhà nước quản lý không, ai là đồng sở hữu?... Sau một năm, bà Tam không biết những câu hỏi đó trả lời hay chưa mà phiên tòa phúc thẩm diễn ra với kết luận giống như bản án sơ thẩm, chỉ có điều phần ghi nhận sự tự nguyện của bà Sâm hoàn trả tiền xây dựng nhà cho bà Tam bị thay đổi từ 600 triệu đồng xuống còn gần 450 triệu. Bà Tam tiếp tục làm đơn kháng cáo vì nội dung vụ án còn nhiều khuất tất chưa được làm rõ.

Nỗi lòng người trong cuộc

Bà Tam cho biết: “Vào thời điểm mua nhà, sở dĩ giữa hai bên không có giấy tờ gì ngoài tờ ủy quyền vì lúc ấy bà Sâm cho biết căn nhà do vợ chồng bà đứng tên, nhưng chồng bà đã định cư ở nước ngoài nên cả hai thỏa thuận không làm giấy mua bán. Hơn nữa, do không am hiểu về pháp luật trong lúc đang bức bách về nhà ở nên dù biết bà Sâm không có giấy tờ chủ quyền nhà, bà vẫn đồng ý mua. Tôi không ngờ mọi việc lại ra cớ sự thế này”.

Bà Sâm khởi kiện đòi nhà bằng chứng thư đoạn mãi bất động sản lập ngày 4-12-1971. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ thì trong đó lại kết luận: phần bất động sản 644 Trung tâm Gia Định thuộc chủ quyền cộng hữu vị phân và không minh xác của năm cá nhân (trong đó có vợ chồng bà Sâm). Nhưng điều lạ là nếu tài sản trên thuộc đồng sở hữu thì vì sao trong các phiên xử lại không có sự tham dự của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan?

Hơn nữa, nếu chồng bà Sâm đi nước ngoài sau năm 1975 và bản thân bà cũng sang đó định cư vào năm 1982 thì rõ ràng căn nhà trên phải được nhà nước xác lập quyền sở hữu. Vì thế, đại diện người nhà bà Tam cũng đã nhiều lần đặt vấn đề với tòa là liệu giấy ủy quyền của bà Sâm vào thời điểm đó có phù hợp với quy định pháp luật hay không? Hơn nữa, TAND cấp sơ thẩm đã căn cứ vào tờ thỏa thuận việc phân chia tài sản của vợ chồng bà Sâm sau khi ly dị tại Hoa Kỳ năm 2006 để xác định bà Sâm là chủ sở hữu căn nhà trên là chưa đủ cơ sở pháp lý, vì không có giấy tờ nào chứng minh vợ chồng bà Sâm là chủ sở hữu tài sản trên.

Cũng theo trình bày của bị đơn, tại phiên phúc thẩm, lúc đầu mọi việc diễn ra rất khách quan, Hội đồng xét xử thẩm vấn người đại diện của nguyên đơn phải chứng minh quyền sở hữu của bà Sâm đối với căn nhà 7G. Nhưng sau thời gian tạm hoãn để nghị án thì mọi việc thay đổi hoàn toàn. Bản án phúc thẩm nhận định không đầy đủ và trung thực toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bà Tam. Vấn đề khiến gia đình bà Tam thắc mắc là vì sao ngày 8-8-2012, Tòa tối cao TAND TPHCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả trả lời của UBND TPHCM và Giám đốc Sở Xây dựng, nhưng sau đó vụ án lại được đưa ra xét xử khi chưa có văn bản trả lời của cơ quan hữu trách?...

Về phía gia đình bà Tam, họ có nhiều bức xúc xung quanh hai bản án cũng là điều dễ hiểu. Từ khi dọn về nơi ở mới, bà Tam đã nhiều lần sửa chữa để căn nhà khang trang như hiện nay. Nhưng đùng một cái, 13 con người sinh sống ổn định ở đây mấy chục năm qua có nguy cơ trở thành “vô gia cư”. Trước rất nhiều bất hợp lý mà gia đình bà Tam cho rằng bị tòa “xử ép”, chúng tôi thấy trong vụ này có một số vấn đề chưa được làm rõ. Trong phần nội dung bản án, đại diện phía bà Sâm chỉ khẳng định bà đã ủy quyền cho gia đình bà Tam được sử dụng căn nhà trên, nhưng lại từ chối việc nhận 26 lượng vàng mua nhà của bà Tam? Vậy lúc đó dựa vào mối quan hệ nào mà một người dưng như bà Tam lại được bà Sâm ủy quyền nhà? Giấy tờ nào chứng minh bà Sâm hoàn toàn làm chủ căn nhà 7G để được làm giấy ủy quyền và đứng ra đòi nhà? Đồng thời, tờ giấy ủy quyền rốt cuộc là gì khi nội dung cũng không đề cập đến việc “bất cứ khi nào bà Sâm đòi nhà bà Tam phải trả”? Nếu vợ chồng bà Sâm cùng định cư ở nước ngoài mà không có giấy ủy quyền cho bà Tam thì liệu căn nhà trên có thuộc quyền quản lý của nhà nước? Còn rất nhiều câu hỏi cho thấy vụ việc này chưa được minh bạch nên phía gia đình bà Tam sẽ tiếp tục kháng cáo.

Sinh sống tại đây suốt 31 năm, các thành viên trong gia đình đã có tên trong hộ khẩu thường trú tại nhà 7G. Nhưng rồi họ đang sắp phải ra đường ở nếu vụ án không được suy xét một cách tường tận. Phía bà Tam không dám nghĩ mình đang đòi quyền lợi để được làm chủ sở hữu căn nhà, họ chỉ mong cơ quan chức năng xem xét việc gia đình đã định cư ở đây ngần ấy năm trời. Nếu căn nhà trên thuộc đối tượng do nhà nước quản lý thì gia đình mong sẽ được ưu tiên ký hợp đồng thuê nhà và nếu có cơ hội sẽ mua hóa giá. Nhưng rồi rốt cuộc những bản án đã khiến họ hoang mang, suy sụp. Có ai nghĩ rằng việc sinh sống ổn định ở một nơi gần nửa đời người chỉ là để giữ nhà cho người khác? Trong các phiên xử, liệu tòa đã đủ khách quan chưa?

Thiên Thanh (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.