16/10/2023 1:35 PM
Công ty CP Thép Pomina (mã chứng khoán POM) bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 4.370 tỷ đồng, nợ quá hạn thanh toán hơn 3.100 tỷ đồng.

Kiểm toán đặt “dấu chấm hỏi” về khả năng hoạt động liên tục

Thông tin này vừa được Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam nêu tại báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên 2023 của Pomina. Theo đơn vị kiểm toán này, khả năng hoạt động liên tục của hãng thép có trụ sở ở Bình Dương sẽ phụ vào khả năng tiếp tục tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong tương lai, sự hỗ trợ về mặt tài chính từ các ngân hàng và nhà đầu tư chiến lược.

Pomina báo lỗ kỷ lục, nợ quá hạn hơn 3.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023

Nửa đầu năm nay, Pomina ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.192 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn khiến Pomina lỗ gộp 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 348 tỷ đồng.

Thêm vào đó, doanh nghiệp này còn chịu thêm gánh nặng chi phí tài chính với 293 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, cao gấp 34 lần doanh thu tài chính. Riêng chi phí lãi vay tăng tới 40% so với cùng kỳ; chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 78 tỷ đồng và khoản lỗ khác ở mức 104 tỷ đồng.

Kết quả, Pomina lỗ ròng lên tới 504 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 23 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ kỷ lục mà doanh nghiệp này ghi nhận trong 6 tháng đầu năm.

Lý giải về nguyên nhân thua lỗ kỷ lục, lãnh đạo Pomina cho rằng do nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt độ nhưng phải gánh chịu nhiều chi phí, trong đó có chi phí lãi vay. Ngoài ra, tình hình bất động sản đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, dẫn đến công ty bị sụt giảm doanh thu, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao gây lỗ lớn trong kỳ.

Năm 2023, Pomina thông qua mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng và lỗ sau thuế 150 tỷ đồng trong năm nay. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra trong báo cáo thường niên trước đó là doanh thu 14.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 300 tỷ đồng. Sau 6 tháng, doanh nghiệp này mới hoàn thành được 24% mục tiêu doanh thu và vượt quá 350 tỷ đồng số lỗ cả năm.

Pomina bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Nguồn: BCTC Pomina

Tại BCTC soát xét bán niên 2023, đơn vị kiểm toán của Pomina là Ernst & Young Việt Nam đã có ý kiến nhấn mạnh liên quan tới khoản lỗ thuần gần 505 tỷ đồng và khoản lỗ luỹ kế 758 tỷ đồng tại thời điểm 30/6. Ngoài ra, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 4.300 tỷ đồng.

Đến hết ngày 30/6, Pomina ghi nhận khoản vay ngân hàng hơn 6.200 tỷ đồng, trong đó 5.420 tỷ đồng là khoản vay ngắn hạn. Hiện nhiều khoản vay ngân hàng đã quá hạn thanh toán lãi và gốc với giá trị 2.200 tỷ đồng, không ít khoản vay khác cũng sắp đến hạn thanh toán vào đầu năm 2024.

Cùng với đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn đã quá hạn thanh toán với số tiền hơn 922 tỷ đồng. Hiện Pomina đang trong quá trình làm việc với các nhà cung cấp để gia hạn thanh toán cho các khoản phải trả nói trên.

“Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Pomina”, Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh.

Pomina bán 20% vốn cho nhà đầu tư Nhật

Sau khi bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, lãnh đạo Pomina đã có văn bản giải trình về khoản lỗ kỷ lục, đồng thời cho biết nhà máy thép Pomina 3 sẽ hoạt động trở lại dự kiến vào quý 4/2023 ngay sau khi phát hành vốn riêng lẻ cho nhà đầu tư.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông diễn ra hồi tháng 7/2023, Pomina cũng đã công bố các thông tin quan trọng về việc hợp tác chiến lược với Công ty Thép Nansei - một nhà đầu tư Nhật Bản. Theo đó, Nansei sẽ trở thành cổ đông chiến lược thông qua việc mua 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ được phát hành thêm với giá 10.000 đồng.

Quá trình phát hành sẽ được chia thành 2 đợt chào bán để huy động hơn 700 tỷ đồng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự kiến trong 700 tỷ đồng thu được, Pomina sẽ dùng 500 tỷ đồng để thanh toán nợ vay tại Ngân hàng BIDV và VietinBank, gần 187 tỷ đồng để thanh toán tiền mua hàng, nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh va 15 tỷ đồng cho vốn lưu động khác.

Theo đó, đợt 1 sẽ phát hành 10,6 triệu cổ phiếu và diễn ra vào tháng 8/2023; đợt 2 sẽ phát hành gần 59,6 triệu cổ phiếu và diễn ra sau đó một năm. Đối tác Nhật Bản sẽ bị hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu trong 3 năm đầu tiên.

Lãnh đạo Pomina cho biết, việc hợp tác với Nansei Steel sẽ giúp công ty có đủ nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu khi thị trường hồi phục mạnh từ giữa năm sau.

Bên cạnh phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Pomina dự định tái cấu trúc tách Chi nhánh Nhà máy Thép (Pomina 1) và Chi nhánh Nhà máy Luyện phôi thép (Pomina 3) thành hai công ty cổ phần có tư cách pháp nhân độc lập. Sau đó, công ty sẽ chuyển nhượng một phần vốn chủ sở hữu tại Công ty TNHH Pomina 3.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.