Rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BĐS đã nhìn nhận xu hướng này là cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS có thể vượt qua những khó khăn hiện tại.
Nhận định về vấn đề này, ông Lưu Đức Hải – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, BĐS xanh là khái niệm mới xuất hiện nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và nhà đầu tư bất động sản. BĐS xanh càng trở lên quan trọng hơn khi ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn ngày một gia tăng ở các đô thị lớn. Người dân hiện có xu hướng muốn được sở hữu ngôi nhà thoáng đãng trong không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên nhưng vẫn tiện nghi.
Ông Lê Trọng Bình – Viện trưởng Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đưa ra 5 nhóm tiêu chí khung về kiến trúc xanh bao gồm: Địa điểm bền vững; sử dụng tài nguyên, năng lượng và công nghệ xanh; chất lượng môi trường kiến trúc, môi trường đô thị; tác động môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn; gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị truyền thống.
Tuy nhiên, cũng có không ít chuyên gia đã chỉ ra rằng, ở Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị lớn đã có các khu đô thị mới được quy hoạch và xây dựng theo hướng tiệm cận với các sản phẩm BĐS xanh. Nhưng trên thực tế, do chưa có bộ tiêu chí về đô thị xanh, chưa có công trình nghiên cứu, khảo sát, đánh giá phân loại các đô thị Việt Nam theo các tiêu chí đô thị xanh nên nhiều khu đô thị hiện nay thường tự lập tiêu chuẩn theo kiểu “tự phong”, tùy cảm nhận đánh giá của nhà đầu tư và người dân sống trong khu đô thị.
Một thực trạng khác là việc xây dựng đô thị xanh ở nước ta đang gặp phải trở ngại lớn nhất là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị còn rất thấp kém, đặc biệt là hệ thống công trình giao thông, hệ thống cấp nước, không gian xanh còn rất nhỏ bé…
Ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, chính những bất cập ấy và với nhu cầu ngày càng lớn của người dân về một không gian sống rộng rãi, thoáng mát sẽ là xu hướng của thị trường BĐS trong thời gian tới. “Những khu đô thị có nhiều không gian xanh sẽ ngày càng có giá. Cơ hội sẽ đến với những chủ đầu tư ngay từ bây giờ chú trọng yếu tố này”.
Ông Nguyễn Thành Nam – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô cho biết, việc phát triển các đô thị xanh là một xu hướng tất yếu của các đô thị không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Cùng với quá trình phát triển kinh tế – xã hội trong những năm vừa qua khiến cho con người sống trong các khu đô thị cũng tỏ ra dễ tính hơn với môi trường ô nhiễm xung quanh mình như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải, không gian sống chật chội…
Nhưng khi xã hội phát triển đến một mức nào đó thì nhu cầu được sống trong một không gian “xanh” sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong cuộc sống.
Ông Nam cũng đưa ra dẫn chứng tại dự án The Empire mà doanh nghiệp đang triển khai tại Đà Nẵng được chú trọng xây dựng với tiêu chí cảnh quan và môi trường đảm bảo phát triển bền vững. Dự án có yếu tố mặt nước và cây xanh làm chủ đạo, trục cảnh quan với hàng cây lớn và một dòng kênh nhân tạo chạy dọc 3 quảng trường lớn nối với nhau bằng một tuyến phố đi bộ được đầu tư bài bản và độc đáo nhất Việt Nam hiện nay.
Với tuyến phố đi bộ đó, Công ty cũng đang xây dựng một không gian thương mại, văn hóa, lễ hội, ẩm thực để phục vụ không chỉ người dân trong dự án, mà còn là các du khách trong và ngoài nước.
“Chúng tôi hướng tới việc mang lại cho những khách hàng của mình một môi trường sống tốt nhất. Ngoài những yếu tố như vị trí kề biển liền sông, nằm giữa hai sân golf và những kiến trúc cảnh quan được thiết kế thi công rất đẹp, môi trường sống xanh, sạch cũng là yếu tố chúng tôi vô cùng quan tâm” – ông Nam khẳng định.
Chính những yếu tố trên, trong đợt mở bán đầu tiên vào cuối tháng 11, gần 90 căn biệt thự tại dự án được bán hết cho thấy sự quan tâm của khách hàng đối với dự án. Không chỉ có vậy, dự án Suối Son tại Đồng Nai, khu biệt thự Hồ Thiên Nga; khu biệt thự Vườn Tre của Tập đoàn Đất Xanh cũng nhận được sự quan tâm của khách hàng.
Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, để thực hiện được mô hình đô thị xanh, chủ đầu tư phải tốn chi phí đầu tư ban đầu nhiều hơn, thời gian thu hồi vốn lâu hơn trong khi hiệu quả từ công trình xanh lại đến sau thời gian dài. Các chuyên gia cũng kiến nghị trong quá trình xây dựng nên tập trung vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực gồm năng lượng, nước, vật liệu nhằm làm giảm ảnh hưởng của công trình trong quá trình sử dụng tới sức khỏe con người và môi trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới lợi ích lâu dài. Đi kèm với chính sách ấy là chế tài quyết liệt của các cơ quan quản lý với các chủ đâu tư xây dựng các khu đô thị mới không tuân thủ các tiêu chí về không gian xanh.
Qua đó để thấy rằng: Nhu cầu về các sản phẩm BĐS xanh là không hề nhỏ khi mà thị trường BĐS đang gặp phải muôn vàn khó khăn thì loại hình sản phẩm này vẫn tìm được đầu ra cho riêng mình. Tuy nhiên, để làm ra được những sản phẩm như vậy, các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với muôn vàn khó khăn từ nhiều phía như cơ chế, chính sách, quy hoạch,… và đặc biệt là vốn – vấn đề nhức nhối, cốt lõi của thị trường BĐS trong năm 2011.
Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì, trong 10 năm tới, sẽ vẫn có từ gần 50 dự án sẽ lên 200 dự án bất động sản xanh, thân thiện với môi trường được triển khai.