Detsky Mir, công trình cuối cùng của kiến trúc sư Alexei Dushkin là một phần không thể tách rời của Moskva. Khánh thành vào tháng 6/1957, nó được đánh giá như một điểm nhấn của những công trình xây dựng hùng vĩ thời Stalin và là một hình ảnh “trong tim” của nhiều thế hệ trẻ em Moskva.
Nằm trên triền dốc cạnh Điện Kremlin, tòa nhà là công trình xây dựng hiện đại của những thập niên giữa thế kỷ 20 nhưng mang vẻ đẹp kiểu Phục hưng của người Ý với nội thất được trang trí hết sức tinh xảo: Tường và cột trụ được ốp đá cẩm thạch, sảnh chính với hệ thống giếng trời tràn ngập ánh sáng, các chi tiết cực kỳ tinh tế… những điều mà kiến trúc ngày nay đang dần lãng quên đi…
Còn khoảng 1.000 ngôi nhà lịch sử và 300 công trình kiến trúc nổi tiếng ở Thủ đô Moskva sẽ lần lượt biến mất trong vòng vài năm nữa. |
Năm 2008, bất chấp sự phản đối kịch liệt của những người yêu mến công trình này, chính quyền thành phố Moskva vẫn quyết định đóng cửa và giao cho công ty tư nhân AFK Sistema đấu thầu xây dựng lại (công ty giữ 70% cổ phiếu, còn thành phố giữ 19%). Công ty này hứa rằng những chiếc cửa sổ hình vòm ở bên ngoài tòa nhà sẽ được giữ lại nguyên trạng nhưng bên trong cửa hàng sẽ được tái thiết lại toàn bộ (tiền xây dựng ngốn hết 200 triệu USD nhưng với số lượng 60.000 người đến mỗi ngày và hàng năm thu về hơn 60 triệu USD thì con số này vẫn quá rẻ). Thời điểm đó, rất nhiều người Nga đã bày tỏ sự đau buồn khi cho rằng chuyện này chẳng khác nào thành phố đã lấy mất đi tình yêu của họ. Những kiến trúc sư của thành phố vận động một chiến dịch để chống lại kế hoạch này... Tuy nhiên, mọi việc vẫn tiến hành. Chỉ 40% diện tích sẽ vẫn là thế giới trẻ em như ngày xưa, còn lại sẽ là những cửa hàng bán lẻ, rạp chiếu phim đa năng. Đầu năm nay, những người yêu mến Detsky Mir “của ngày xưa” lại tiếp tục xuống đường biểu tình, yêu cầu chính quyền phải ngừng ngay mọi hoạt động xây dựng để tránh làm mất đi một di sản sẽ khó bao giờ trở lại. Nhưng đáp lại chỉ là hư không.
Ngôi nhà một thời là nơi ở của kiến trúc sư vĩ đại, Matvey Kazakov (ông được nhớ nhất với công trình xây dựng hồi thế kỷ 17 tòa nhà số 1 Điện Kremli - vẫn được gọi với tên lịch sử: Viện Nguyên lão), giờ đã được “bọc” tôn rìa ngoài và bên trong, trên những bức tường mặt tiền của ngôi nhà huyền thoại, giờ đã mọc đầy những bức vẽ graffiti. Người ta không còn nhận ra ngôi nhà một thời là niềm tự hào của người Moskva. Kazakov đã dành phần lớn thời gian cuộc đời mình ở đây để dạy học và nghĩ ra những ý tưởng thiết kế huyền thoại. Đầu những năm 1990, một phần ngôi nhà được sửa chữa thành chung cư và rồi đến năm 2003 một lần nữa nó phải đón nhận một kết quả cay đắng, một phần nhà bị lửa thiêu rụi. Viện Kiến trúc Moskva đã đề xuất thành phố dùng ngôi nhà này để tưởng niệm người kiến trúc sư lỗi lạc. Đề xuất đã từ khá lâu nhưng bây giờ ngôi nhà vẫn chỉ được “tưởng nhớ” bởi những nghệ sĩ graffiti.
Được xây dựng để phục vụ cho Olympic Moskva 1980, Trung tâm văn hóa nghệ thuật nằm đối diện với công viên Gorky huyền thoại đã chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim của trí thức Moskva, nơi gắn liền với những bộ phim, những buổi hòa nhạc, những triển lãm hội họa danh tiếng thế giới… Đầu năm 2008, chính quyền công bố bản thiết kế mới mà theo nhiều người điều này mang tính phá hủy hơn là tu bổ. David Sarkisyan, Giám đốc bảo tàng kiến trúc Shchusev, người luôn đi đầu trong những kiến nghị giữ lại những kiến trúc thời Xô-viết, nói rằng việc xây dựng lại Trung tâm văn hóa nghệ thuật được thúc đẩy bởi những âm mưu và quyền lợi tài chính của chính quyền và những nhà tài phiệt. Theo thiết kế, trung tâm mới sẽ có hình dạng giống như quả cam bóc vỏ, cao 74 mét, nằm trong một khu đất vàng rộng 23 ha. Tuy nhiên, trung tâm sẽ trở thành một khu phức hợp, bao gồm cả nhà ở và khách sạn cao cấp.
Nhà máy sản xuất chocolate Tháng Mười Đỏ nằm bên dòng sông Moskva là một biểu tượng của người Nga từ nhiều thập niên. Người ta từng dùng sản phẩm của nhà máy để nói về “chiến tranh lạnh nhưng chocolate nóng”, và nhà máy Tháng Mười Đỏ với người dân Moskva dường như là bất biến. Nhưng rồi, vào một ngày đẹp trời, nhà máy sản xuất huyền thoại có từ cuối thế kỷ 19 này đã phải lặng lẽ ra đi, nhường lại miếng đất đẹp nhất ở Moskva cho những căn hộ và chung cư cao cấp được mọc lên. Anton Kalantarov, một người Nga 39 tuổi, sống trong khu vực này cho rằng: “Thật là xấu hổ, người ta vì tiền mà sẵn sàng bỏ đi cả một biểu tượng. Tôi sống ở đây từ bé và nhà máy này là một phần không thể quên trong ký ức tuổi thơ”. Giá bất động sản tăng vọt khiến cho những khu đất vàng của Xô-viết ngày xưa phải rục rịch chuyển mình.
Theo BBC, thì còn khoảng 1.000 ngôi nhà lịch sử và 300 công trình kiến trúc nổi tiếng ở Thủ đô Moskva sẽ lần lượt biến mất trong vòng vài năm nữa và thay vào đó là những công trình xây dựng mới của nhiều dự án khác nhau. Những nhà bảo tồn đang băn khoăn không biết bộ mặt Thủ đô Moskva sẽ như thế nào.