Ngày 13-9, Bộ Xây dựng có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp quản lý để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Trong tờ trình này, Bộ Xây dựng đánh giá rằng bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua đã bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định. Giá nhà, đất vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn; cơ cấu hàng hóa BĐS nhà ở mất cân đối, thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với nhu cầu của đa số người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê... Tình trạng phát triển đô thị thiếu quy hoạch, kế hoạch, phát triển tự phát còn diễn ra phổ biến, dẫn đến các đô thị phát triển không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội. Hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung hạn và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong tạo lập nhà ở.


Các giải pháp mà Bộ Xây dựng đề ra là đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực BĐS; sớm ban hành tiêu chí cho vay BĐS để áp dụng trong hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trước mắt, hạn chế cho vay bồi thường, GPMB, các dự án khởi công mới (trừ các dự án nhà ở xã hội), các dự án BĐS cao cấp (như dự án căn hộ chung cư có giá trên 30 triệu đồng/m2, hoặc diện tích trên 120 m2, biệt thự, nhà liền kề)... Các địa phương tiến hành rà soát những dự án phát triển nhà ở, phát triển khu ĐTM, không triển khai dự án tại địa điểm không có kế hoạch khả thi cung cấp đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu tối thiểu về dịch vụ đô thị, cũng như sự phù hợp của các dự án với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương. Kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật về đất đai.


Bộ Xây dựng cũng kiến nghị ban hành quy định và kiểm soát khi thỏa thuận đầu tư để có nhiều loại cơ cấu căn hộ trong các dự án phát triển nhà ở, ưu tiên phát triển nhà ở có diện tích trung bình (từ 70 m2 đến 90 m2) và diện tích nhỏ (dưới 70 m2) có giá bán hợp lý. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng, bảo đảm tỷ lệ căn hộ nhà chung cư đạt hơn 80%, hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự, nhà liền kề, căn hộ chung cư có diện tích từ 120 m2 trở lên) tối đa không quá 20% trong tổng số đơn vị nhà ở thương mại xây dựng mới; phát triển mạnh nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của người dân.


Thị trường mấy ngày gần đây quan tâm nhiều đến sự kiện ngày hội "Mua nhà giá gốc" sẽ phải hoãn lại tới tháng 10 do đơn vị tổ chức không tiến hành đầy đủ các thủ tục trước khi công bố rộng rãi thông tin, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho một sự kiện lớn, thu hút rất nhiều người quan tâm. Bởi từ khi hình thành thị trường BĐS đến nay, chuyện mua nhà giá gốc vẫn được hiểu theo nghĩa là mua được nhà với giá của chính chủ đầu tư công bố, không phải mất tiền chênh lệch lên đến hàng trăm triệu đồng cho giới đầu cơ, môi giới. Hy vọng, những giải pháp mà Bộ Xây dựng đưa ra sẽ sớm góp phần làm lành mạnh hóa thị trường BĐS.

Theo Nguyễn Vũ (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.