Nhắm không kịp hạ tỉ lệ cho vay phi sản xuất xuống dưới 22% vào cuối tháng 6, một số ngân hàng thương mại đã tính tới chuyện xin Ngân hàng Nhà nước... nương tay.
Nếu đến hết tháng 6.2011, các ngân hàng thương mại không đưa được tỉ lệ cho vay phi sản xuất trên tổng dư nợ về mức 22% (tỉ lệ này đến hết năm 2011 là 16%) thì sẽ bị Ngân hàng Nhà nước áp tỉ lệ dự trữ bắt buộc gấp đôi quy định. Có những ngân hàng đã đạt được mức này, nhưng nhiều ngân hàng vẫn đang chật vật thực hiện. Cũng có ngân hàng biết chắc là không đạt được, nên đang dự tính những biện pháp như giải trình khoản vay, xin Ngân hàng Nhà nước giãn thời hạn.

Mong Ngân hàng nhà nước… nương tay

Để thu hẹp tỉ lệ dư nợ phi sản xuất, về mặt lý thuyết, các ngân hàng có 2 lựa chọn: hoặc nâng tổng dư nợ thông qua đẩy mạnh cho vay sản xuất, hoặc hạn chế cho vay phi sản xuất. Nhưng cái khó của các ngân hàng hiện nay là bị giới hạn mức tăng trưởng tín dụng không quá 20% và lãi suất cho vay quá cao, lên đến hơn 20%/năm. Vì thế, không dễ để các ngân hàng tăng tỉ lệ dư nợ sản xuất. Như vậy, họ chỉ còn cách siết lại việc cho vay phi sản xuất.

Tỉ lệ dư nợ phi sản xuất của Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) hiện khoảng 25-26%, còn cách đích 3-4 điểm phần trăm. Khoảng cách không quá lớn, nhưng thời hạn chỉ còn hơn 1 tháng nên không dễ thực hiện. Bởi lẽ, trước đó Ngân hàng đã ký kết cho vay các dự án nhà ở, nên nay phải tài trợ cho khách hàng vay mua nhà. Nếu không, dự án không bán được, ngân hàng cũng khó thu nợ. Do vậy, theo ông Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Tín dụng Hội Sở MHB, đến cuối tháng 6 tới, rất khó để đưa tỉ lệ dư nợ phi sản xuất về 22%. MHB đã cho vay cá nhân, hộ gia đình từ 10 năm trước để sửa chữa, xây nhà với tỉ lệ lên đến 40-50% tổng dư nợ.

“Thu được các khoản nợ này cũng khoảng gần 1.000 tỉ đồng, giúp giảm dư nợ cho vay phi sản xuất khoảng 5-6 điểm phần trăm. Nhưng đến cuối tháng 6 là không kịp. Từ khi Nghị quyết 11 của Chính phủ được triển khai cho đến nay là 3-4 tháng, chỉ đủ thời gian cho một kỳ trả nợ. Người vay thường trả nợ 3 tháng 1 kỳ. Vì vậy, muốn giảm tỉ lệ này không phải một sớm một chiều”, ông Hải nói.

Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) hiện có tỉ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất dưới 30%. Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ocean Bank, cho biết, tăng dư nợ sản xuất chỉ là một giải pháp. Bối cảnh hiện nay không có liều thuốc đặc trị nào mà phải đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có việc đẩy mạnh thu nợ đúng hạn.

“Lợi thế của Ocean Bank là cho vay ngắn hạn nhiều. Nếu dừng cho vay hoặc hạn chế cho vay phi sản xuất thì cũng sẽ nhanh chóng giảm được tỉ trọng phi sản xuất. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã giảm hơn 1.000 tỉ đồng cho vay bất động sản, nên có thể sẽ đạt được yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước”, ông nói.

Song không phải lãnh đạo ngân hàng nào cũng tự tin như ông Thắm. Đã có những ngân hàng thương mại nhỏ có tỉ lệ cho vay phi sản xuất cao tính tới chuyện xin Ngân hàng Nhà nước giãn thời hạn đáp ứng theo tỉ lệ quy định. Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhỏ ở Hà Nội (đề nghị không nêu tên), ngân hàng ông rất khó đạt tỉ lệ 22% và cho biết nhiều ngân hàng khác cũng có cùng cảnh ngộ.

Vị lãnh đạo này mong Ngân hàng Nhà nước không bắt buộc phải tăng dự trữ lên gấp đôi như đã quy định. Ông dự tính sẽ đề xuất Ngân hàng Nhà nước chia dư nợ tín dụng của ngân hàng thương mại làm 2 loại cũ và mới. Những khoản dư nợ mới phải tuân thủ tỉ lệ cho vay phi sản xuất không quá 22% và 16%, nhưng các khoản cho vay cũ thì xem xét từng trường hợp, cho phép ngân hàng giải trình và có thời gian dài hơn để kéo tỉ lệ đó xuống.

Cũng đồng tình với quan điểm này, ông Hải, MHB, cho rằng, có lẽ ngân hàng thương mại phải giải trình các khoản cho vay với Ngân hàng Nhà nước. Chẳng hạn như dòng tiền ngân hàng thương mại thu về từ nay đến cuối tháng 6 hay cuối năm như thế nào, khoản nào thì gia hạn, khoản nào bị nợ quá hạn để xin thêm thời gian giải quyết.

Mỗi ngân hàng mỗi giải pháp. Chuyện giải trình như đề xuất của một số ngân hàng thương mại cũng chỉ mới là gợi ý. Trước mắt, các ngân hàng vẫn phải chạy đôn chạy đáo để không bị áp tăng gấp đôi dự trữ bắt buộc.

Tìm nguồn thu mới

Giảm tỉ lệ cho vay phi sản xuất, kết quả kinh doanh của ngân hàng chắc chắn bị tác động. Từ nhiều năm trước, cho vay phi sản xuất chiếm tỉ trọng lợi nhuận không nhỏ đối với các ngân hàng thương mại.

Ông Thắm, Ocean Bank, cho biết, bên cạnh việc mở rộng cho vay lĩnh vực sản xuất để đảm bảo lợi nhuận, Ngân hàng đang triệt để khai thác các dịch vụ khác. Hơn nữa, theo ông, trong tình hình khó khăn hiện nay, mục tiêu lợi nhuận không phải là quá quan trọng.

Còn ông Hải, MHB, cho rằng chắc chắn việc thu hẹp cho vay phi sản xuất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Ngân hàng, nên phải tìm thêm nguồn thu mới. MHB đang đẩy mạnh cho vay mua lương thực, với lãi suất chỉ 15-16%. Đây là lĩnh vực được coi là an toàn nhất hiện nay, nhưng ông vẫn lo ngại sẽ có rủi ro khi các doanh nghiệp đua nhau chạy theo lĩnh vực này. Hơn nữa, cái khó hiện nay là chi phí huy động vốn tăng. Đó mới là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Rõ ràng, đối với những ngân hàng có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động tín dụng, việc điều chỉnh tỉ lệ cho vay phi sản xuất sẽ làm giảm lợi nhuận của họ. Song tác động này sẽ chưa rõ nét trong thời gian ngắn, vì các khoản cho vay cũ (đặc biệt là các khoản cho vay trung, dài hạn) chưa đến kỳ đáo hạn.

Để đảm bảo lợi nhuận về lâu dài mà vẫn đạt yêu cầu tỉ lệ cho vay phi sản xuất không quá 16% vào cuối năm nay, các ngân hàng thương mại sẽ phải điều chỉnh cơ cấu cho vay cũng như kế hoạch doanh thu.
Theo Vũ Dũng (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0