Kiên quyết xử lý các sàn BĐS vi phạm
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế như: phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định; giá BĐS, đặc biệt là giá nhà ở vẫn ở mức cao, diễn biến phức tạp, tình trạng đầu cơ kích giá còn phổ biến, giao dịch có chiều hướng giảm sút; các giao dịch BĐS kể cả thông qua hệ thống sàn giao dịch BĐS (bán nhà ở của các DN kinh doanh BĐS) và giao dịch không thông qua sàn giao dịch BĐS (mua, bán nhà ở của người dân) đều chững lại trong năm 2011, đặc biệt là trong quý 3-2011 rất thấp. Theo báo cáo của các sàn giao dịch trên địa bàn Thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2011 có khoảng 2.700 giao dịch thành công, trong quý 3-2011 thì lượng giao dịch còn thấp hơn nữa, chỉ có khoảng 900 giao dịch thành công, dự kiến quý IV lượng giao dịch qua sàn cũng không khá hơn. Như vậy, với 480 sàn giao dịch BĐS đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS, trong 9 tháng năm 2011 mới có khoảng 3.600 giao dịch, tính cả lượng giao dịch trong quý IV thì trung bình mỗi sàn BĐS chưa thực hiện nổi 10 giao dịch.
Phó GĐ Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã "Sẽ kiểm tra thường xuyên các sàn giao dịch BĐS, kịp thời phát hiện và uốn nắn các sai phạm về giao dịch, mua bán, thực hiện các dịch vụ trong kinh doanh BĐS. Kiên quyết xử lý những sàn giao dịch BĐS cố tình vi phạm pháp luật trong giao dịch gây mất ổn định thị trường" - ông Tuấn khẳng định.
Sẽ lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ người lao động
Theo Sở Xây dựng, thị trường BĐS tại Hà Nội thời gian qua đã có bước phát triển tích cực, từng bước đáp ứng nhu cầu về cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ đô thị, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở của dân, góp phần quan trọng bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới, khu du lịch - dịch vụ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ tiếp tục được triển khai làm thay đổi bộ mặt đô thị, tăng nguồn cung cho thị trường. Theo thống kê, hiện địa bàn Thành phố có khoảng 210 dự án khu đô thị mới có quy mô từ 20ha trở lên đã và đang được triển khai. Nhưng, thị trường BĐS trên địa bàn TP. Hà Nội thời gian qua cũng đã bộc lộ những hạn chế như: phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định; giá BĐS đặc biệt là giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp,...
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, để khắc phục các hạn chế, tồn tại của thị trường BĐS trên, không để thị trường BĐS trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao và phát triển kinh tế thiếu bền vững,…Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND Thành phố một số giải pháp cụ thể, trong đó sớm nghiên cứu thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà. Đồng thời nghiên cứu thí điểm mô hình Quỹ đầu tư tín thác BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường BĐS. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung nguồn lực và giải quyết vướng mắc về tín dụng ưu đãi và miễn, giảm thuế để đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm như: nhà ở cho công nhân KCN, nhà cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, nhà ở cho học sinh, sinh viên; nhà ở cho các hộ nghèo ở nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội.
Hà Nội lo thêm hàng vạn căn hộ cho người thu nhập thấp và sinh viên |