Đây là vấn đề được đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) tranh luận trong phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong sáng 5/11.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, một trong những nguyên nhân chất lượng thanh tra chưa đảm bảo yêu cầu, kết luận thanh tra còn chậm, chồng chéo giữa kiểm toán, kiểm tra là do các nguyên nhân tổng thanh tra đã nêu còn thiếu nội dung quan trọng đó là số lượng tổ chức thanh tra, kiểm tra quá nhiều.
“Trong 9 tháng năm 2022, tổ chức 6.301 cuộc thanh tra hành chính, 157.974 cuộc thanh tra chuyên ngành. Vậy trong 270 ngày, bình quân mỗi ngày có 608 cuộc thanh tra, kiểm tra”, bà Yến nói và cho rằng vấn đề này không chỉ gây bức xúc ở các địa phương, cơ quan vì thanh tra, kiểm tra quá nhiều mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết luận của ngành Thanh tra.
Đề nghị Tổng Tổng Thanh tra Chính phủ quan tâm và có giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra.
Cho rằng đây là một thực trạng nhiều đại biểu và cử tri rất quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ chuẩn bị trả lời.
Trả lời đại biểu, ông Đoàn Hồng Phong cho biết, hiện có nhiều đoàn thanh tra tiến hành chồng chéo ở địa phương, đây là một thực tiễn có xảy ra. Ngoài cơ quan thanh tra, kiểm toán còn có cơ quan kiểm tra, điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng, rồi thanh tra của các bộ ngành, thanh tra của các địa phương.
Về giải pháp khắc phục, thứ nhất trong việc tham mưu cho thủ trưởng cơ quan về quyết định định hướng chương trình thanh tra hàng năm thì lưu ý để khắc phục, hạn chế số lượng đoàn thanh tra để thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; thanh tra vấn đề dư luận xã hội quan tâm, nhất là liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Quochoi
Thực tế, Thanh tra Chính phủ làm một năm chỉ có 15-16 cuộc thanh tra, bao gồm cả thanh tra đột xuất. ông Phong đánh giá số lượng này không nhiều. Quan trọng nhất là thanh tra bộ ngành xuống địa phương và địa phương đi thanh tra. Rất mong thủ trưởng của các cơ quan thanh tra lưu ý vấn đề này.
Ngoài việc định hướng thanh tra, tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để có biện pháp cụ thể, tính toán về kế hoạch, phối hợp các bộ ngành, địa phương, không vì số lượng, mà tập trung nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra.
Cần nghị quyết đặc thù khi xác định lại giá đất
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn thành phố Hà Nội) đặt câu hỏi về các vướng mắc hiện nay qua nhiều giai đoạn trong xác định giá đất, đặc biệt là đối với những dự án mà theo kết luận của thanh tra là phải tính lại tiền đất do không thông qua hoạt động đấu thầu, đấu giá với những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Đề nghị Tổng thanh tra cho biết hướng xử lý như thế nào?
Trả lời đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra bản án, vướng mắc nổi bật nhất là việc xác định lại giá đất theo kết luận thanh tra, kiểm tra bản án, đặc biệt với các dự án không qua đấu thầu đấu giá.
Việc thực hiện xác định lại giá đất căn cứ vào thông tư 145 của Bộ Tài chính và 36 của Bộ TN&MT nhưng trong quá trình thực hiện có khó khăn.
Để khắc phục vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết Thủ tướng đã có Quyết định 153 để giải quyết tổng thế vấn đề này.
Theo đó, các địa phương có khó khăn cần báo cáo Chính phủ, trên cơ sở đó Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị, trên cơ sở đó trình Quốc hội ra Nghị quyết đặc thù để giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc khi thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra bản án, trong đó có nội dung xác định lại giá đất.
Ngăn chặn ngay hành vi tẩu tán, thất thoát tài sản
Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông) nêu thực trạng, hiện nay còn 40% đến 50% số tài sản chưa được thu hồi lại trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo. Đây là con số không nhỏ vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên chiếm hoặc sở hữu vẫn là một khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát. Đề nghị Tổng Thanh tra cho biết giải pháp căn cơ nào đặt ra cho việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn?
Bên cạnh đó, thời gian qua Thanh tra Chính phủ đã rất nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra còn ít so với tỷ lệ các vụ việc được phát hiện sau thanh tra. Đề nghị Tổng thanh tra cho biết nguyên nhân của vấn đề này?
Trả lời đại biểu Tiến, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đây là vấn đề khó, nhất là tài sản kinh tế. Vấn đề này Ban Bí thư đã có Chỉ thị 04, do đó, kết quả 9 tháng thu hồi tài sản tham nhũng của năm 2022 đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên thời gian tới ngoài tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kết luận 04 thì đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện các chính sách, pháp luật, nhất là quy định cưỡng chế, xử lý sau thanh tra và cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu…
Về giải pháp cần hoàn thiện cơ chế thu hồi, tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án. Trong quá trình điều tra, thanh tra khi phát hiện dấu hiệu tội phạm phải ngăn chặn ngay, không để đến truy tố, xét xử thì các đối tượng thường có hành vi tẩu tán, thất thoát tài sản. Trong giải quyết, thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài cần có hợp tác quốc tế về vấn đề này.
-
Tổng Thanh tra Chính phủ nhắc đến vụ sân golf Phan Thiết biến thành khu đô thị
Sáng 5/11, Quốc hội khóa XV tiếp tục phần chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong bắt đầu trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thanh tra.
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính và thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn
Do là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề, mà theo nhóm lĩnh vực.
-
Có 506.000 người lao động mất việc, giãn việc, thiếu việc
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Đào Ngọc Dung cho biết, số mất việc, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng, yếu tố khác là khoảng 506.000 người, trong đó, khoảng 270.000 người mất việc....
-
Đại biểu Quốc hội đề nghị không bỏ giá điện khỏi diện bình ổn
Điện là hàng hóa dịch vụ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, sản xuất kinh doanh nên Nhà nước cần bình ổn giá mặt hàng này, theo các đại biểu Quốc hội.