Điện là hàng hóa dịch vụ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, sản xuất kinh doanh nên Nhà nước cần bình ổn giá mặt hàng này, theo các đại biểu Quốc hội.

Luật Giá hiện hành quy định điện trong danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước bình ổn giá. Tuy nhiên, giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội đưa mặt hàng này ra khỏi danh mục bình ổn giá, và chuyển sang định giá.

Lý do, Nhà nước đã định giá điện (giá bán lẻ, bán buôn cũng như tại các khâu phát, truyền tải). Việc định giá, điều chỉnh giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, nên bao quát các mục tiêu về ổn định giá, tác động đến đời sống người dân, doanh nghiệp, cũng như phương án kinh doanh của doanh nghiệp điện.

Góp ý tại phiên thảo luận Luật Giá (sửa đổi) chiều 23/5, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng nên giữ nguyên điện trong danh mục bình ổn giá (tức Nhà nước phải chi tiền ra bù giá).

Nêu lý do, đại biểu Luận nói đây là hàng hóa dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế xã hội.

Theo ông, giá điện chỉ tăng mà không giảm, nhưng đợt tăng giá 3% đầu tháng 5 vẫn chưa đủ bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. "Nhà nước cần có biện pháp bình ổn giá mặt hàng này", ông nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Công Luận (Yên Bái) phát biểu tại phiên thảo luận về Luật Giá (sửa đổi), chiều 23/5. Ảnh: Hoàng Phong

Đồng tình, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nói Nhà nước cần bình ổn giá điện, không nên chuyển mặt hàng này sang danh mục hàng hóa dịch vụ định giá. "Hiện nay, 100% người dân phải dùng điện, tại sao không giữ mặt hàng này trong diện bình ổn, mà lại định giá", ông Hòa nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP HCM) lại nêu bất cập, điều tiết giá điện ở Việt Nam hiện nay là mệnh lệnh hành chính, chứ "Nhà nước không chi một đồng nào". Theo ông, việc này dẫn tới thực tế Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị lỗ dù giá điện tăng 3% từ đầu tháng 5.

Ông ước tính, lũy kế 3 năm qua, tập đoàn này lỗ gần 100.000 tỷ đồng, bằng 49% vốn sở hữu. Chưa kể, hiện EVN nợ tiền mua điện từ các đơn vị gần 20.000 tỷ đồng đến hạn phải trả nhưng không có tiền trả.

Năm 2024, số lỗ này dự kiến tăng lên 112.000-144.000 tỷ đồng, tức chiếm 54-70% vốn chủ sở hữu của EVN nếu không được tăng tiếp giá điện. Trường hợp giá tăng 3%, số lỗ khoảng 94.000-126.000 tỷ đồng, tương đương 46-60% vốn chủ sở hữu.

"Việc EVN lỗ như vậy sẽ không thể trở thành tập đoàn mạnh, phát triển bền vững như Chính phủ yêu cầu trong lộ trình tái cơ cấu tập đoàn này", ông Nhân nói.

Vì thế, đại biểu TP HCM đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá vào dự thảo Luật Giá sửa đổi, đó là Nhà nước phải chi nguồn lực công, dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá. Việc này để EVN - tập đoàn lớn nhất, doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất ngành điện - không trong trạng thái sắp phá sản vào năm 2024.

Giải trình ý kiến các đại biểu sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc không đưa giá điện vào diện bình ổn là do Nhà nước đã định giá.

"Việc định giá này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng hơn, đảm bảo nguồn lực trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Còn nếu hỗ trợ bằng ngân sách phải sửa Luật Ngân sách. Chính phủ xin không tiếp thu ý kiến này", ông Phớc nói.

Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi) vào ngày 19/6.

  • Mua dự án xanh, khách hàng có thể giảm chi phí điện nước 15-20%

    Mua dự án xanh, khách hàng có thể giảm chi phí điện nước 15-20%

    Theo chuyên gia, các dự án công trình xanh mang lại hiệu quả cho nhiều chủ thể. Lợi ích rõ ràng của công trình xanh là giảm chi phí vận hành. Đặc biệt, với mức giá mua cao hơn từ từ 3-8%, khách hàng có thể giảm chi phí điện nước từ 15-20%.

Anh Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.