Một số ý kiến cho rằng, việc yêu cầu nhân viên môi giới bất động sản phải có bằng đại học là chưa đúng với thực tế tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Thanh Thịnh
Bát nháo nghề môi giới
Từ khi thị trường bất động sản phát triển đến nay hàng loạt các công ty, trung tâm, văn phòng môi giới bất động sản đã thu hút một lực lượng lao động lớn vào ngành này. Bên cạnh số ít những người làm nghề môi giới được đào tạo bài bản thì còn có một bộ phận lớn là dân “không chuyên”.
Sự không chuyên thể hiện ở chỗ họ chưa được đào tạo chuyên nghiệp về kinh doanh bất động sản dẫn đến hiểu biết không đầy đủ về luật pháp có liên quan, họ hoạt động tự phát, không bài bản, thậm chí còn có trường hợp làm giá, lừa đảo gây ảnh hưởng đến uy tín chung của những người môi giới chân chính.
Mặc dù đã có quy định cá nhân làm môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề, song việc quản lí hoạt động này không hề dễ dàng. Vì ngoài những nhân viên môi giới bất động sản làm việc chính thức và cộng tác tại các sàn giao dịch bất động sản thì còn có những đối tượng khác tham gia vào nghề này như các bà nội trợ, người bán cafe cóc, công chức đã về hưu,... những đối tượng này thì không thể thống kê, quản lí được.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, chính những nhân sự chưa được đào tạo, hoạt động không chuyên nghiệp khiến người dân chưa tin tưởng vào hoạt động của sàn giao dịch bất động sản với vai trò là tổ chức tư vấn, trung gian môi giới trong giao dịch.
Vì vậy, việc bổ sung quy định trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản hiện nay là rất cần thiết nhưng quy định bắt buộc nhân viên hành nghề môi giới bất động sản phải có bằng đại học là “khắt khe” quá mức.
Quy định mới có “siết” được “cò”
Hiện nay một số quốc gia trên thế giới quy định muốn có chứng chỉ hành nghề môi giới thì phải có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia lớn như: Úc, Anh, Mỹ những người môi giới bất động sản chỉ cần tốt nghiệp THPT. Nếu muốn làm nghề môi giới bất động sản họ phải vào 1 trường đào tạo bất động sản chuyên nghiệp do chính phủ chỉ định, khi được đào tạo xong họ sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề.
Ở Việt Nam, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2006 thì cá nhân sẽ được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản khi đã được đào tạo về môi giới bất động sản và có hồ sơ xin cấp chứng chỉ môi giới bất động sản.
Còn theo dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, để được hành nghề môi giới bất động sản, cá nhân phải có thẻ hành nghề môi giới bất động sản. Nhưng để được cấp thẻ này cá nhân phải có trình độ từ đại học trở lên. Có nhiều ý kiến cho rằng, đòi hỏi này đúng nhưng chưa thực tế.
Trao đổi với CafeLand, ông Hùng Anh Dũng, Giảng viên cao cấp của hội đồng chuyên gia CRS Hoa Kỳ cho biết, tôi rất tán thành dự thảo về vấn đề này để nâng cao vai trò cũng như trình độ văn hóa của bộ phận môi giới để những người làm môi giới chuyên nghiệp hơn. Nhưng theo tôi, cái quan trọng ở đây không chỉ là vấn đề bằng cấp mà là môi trường đào tạo, giáo trình đào tạo phải chuẩn mực, chất lượng, thống nhất và thực tế.
Để làm được những điều này, cần rà soát lại việc cấp giấy phép hành nghề, phải ưu tiên về chất lượng chứ không thiên về số lượng. Đồng thời phải có quy chế rất rõ ràng cho việc cấp giấy phép bất động sản để những người môi giới hoạt động đúng tôn chỉ và có trật tự rõ ràng.
Ông Dũng đề xuất, để nâng cao chất lượng và văn hóa cho người hành nghề môi giới bất động sản cần thành lập Hiệp hội của những nhà môi giới bất động sản. Đây sẽ là một tổ chức độc lập với các quy chế rất rõ ràng, để có những chế tài cần thiết khi hội viên vi phạm và những quyền lợi được bảo vệ kịp thời khi có những tranh chấp xảy ra trong giao dịch.
Còn theo quan điểm của Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn Land, ông Nguyễn Khải Hoàn, quy định này rất bất cập, vấn đề thực học chưa được xem trọng đúng mực.
Ông Hoàn lấy ví dụ, ở công ty tôi hiện nay 100% nhân viên môi giới đều có chứng chỉ hành nghề bất động sản, 80% trong số đó có bằng đại học, chỉ có 20% còn lại họ chưa có bằng đại học. Với tỷ lệ trên, đương nhiên chúng tôi không ngại tiêu chuẩn “ Đại học hóa” nhưng với 20% chưa đại học lại nằm ở các anh chị lớn tuổi, họ đã gắn bó với công ty trong suốt một thời gian dài, hiểu biết sâu lĩnh vực bất động sản và làm việc khá hiệu quả, bây giờ phải buộc họ học đại học để được làm nghề môi giới bất động sản hay sao? vị lãnh đạo này đặt vấn đề.
Ông Hoàn cho rằng, thị trường bất động sản bây giờ đang rất khó khăn, nhiều nhân viên môi giới muốn bỏ nghề, trong khi thị trường đang cần tăng cường hơn nữa số lượng nhân viên môi giới mới để giúp cải thiện thanh khoản giao dịch nhà đất, nếu cứ siết quy định một cách quá khắt khe và không hợp lý thì sẽ còn rất ít người trụ được với nghề.
Theo ý kiến của vị lãnh đạo này, nếu muốn nâng cao chất lượng của đội ngũ môi giới bất động sản thì cần kiểm soát chặt chẽ nơi đào tạo, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giảng viên. “ Điều quan trọng nhất của nhân viên môi giới là có thực học và hiểu biết về nghề môi giới hay không. Bởi tờ giấy không làm nên tư duy, không phải là tấm bằng đại học mà là tư duy của những người làm nghề”, ông Hoàn nhấn mạnh.