Hưng (môi giới của một sàn bất động sản tại TP.HCM) cho biết, anh đã đợi chờ rất lâu để được ra đường và quay lại làm việc.
"Tôi đợi ngày thành phố cho phép hoạt động lại rất lâu rồi. Ở nhà mấy tháng chỉ có thể tương tác suông với khách hàng, tôi rất thèm được gặp gỡ và tư vấn cho khách ngay tại công ty, tại dự án", Hưng chia sẻ.
Hưng cũng cho biết, trong mùa dịch, các hoạt động buộc phải ngưng do lệnh giãn cách xã hội, anh và nhiều đồng nghiệp đành chuyển hướng, buôn bán hàng hóa online để cầm chừng, đợi qua mùa dịch. Một số khác thì tìm cách kết nối hỗ trợ khách hàng công ty, đăng dự án online, tận dụng nguồn khách quen.
Theo Hưng, dù buộc phải cột chân tại chỗ trong những ngày giãn cách xã hội, nhưng anh tận dụng khoảng thời gian này để tự học thêm nhiều thứ về công nghệ, trau dồi khả năng ăn nói để phục vụ cho công việc khi mọi thứ trở lại bình thường.
Sẽ rất lâu nữa môi giới mới có thể trực tiếp tư vấn cho khách hàng như thế này (ảnh minh họa: DKRA)
Một môi giới bất động sản khác tên Thành cho biết hơn một nửa đồng nghiệp trong công ty anh đã nghỉ việc về quê mùa dịch và chưa có ý định quay lại TP.HCM. Khi thành phố mở cửa, anh và những người còn lại phải học cách thích nghi với trạng thái bình thường mới.
"Chúng tôi cũng phải tuân thủ giãn cách, luân phiên lên công ty, đi dự án và phải xét nghiệm thường xuyên. Hồi trước làm có lương, nay phải chấp nhận làm không lương, chỉ hưởng hoa hồng dự án thôi", Thành cho hay.
Thành kể, đặc thù của nghề môi giới là phải tiếp xúc gần với khách hàng, nhưng khi hiện nay anh và các đồng nghiệp buộc phải tuân thủ 5K, không tụ tập đông, phải đứng cách khách hàng 2m.
Thành cho biết thị trường vừa hé cửa, lượng khách thực tế chưa có nhiều. Hiện nay đang là giai đoạn tái tạo giỏ hàng và tái cơ cấu của một số doanh nghiệp bất động sản trước khi "bung sức" ở giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, môi giới cũng cần nắm bắt thời cơ, dù thu nhập sụt giảm và công việc khó khăn hơn.
Trả lời báo chí, ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết thu nhập của môi giới bất động sản tại TP.HCM đã giảm đến 70-80% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhân viên môi giới bị sụt doanh số do thị trường khó khăn, thanh khoản kém.
Ông Lâm cho biết thu nhập của môi giới bất động sản từ nguồn hoa hồng bán hàng là chính, lương cơ bản hàng tháng không đáng kể so với chi phí marketing sản phẩm trung bình 12-15 triệu đồng một tháng.
“Sau bốn đợt dịch, thu nhập của môi giới hiện không đủ chi tiêu, phần lớn họ trang trải cuộc sống từ các nguồn tiền đã tích luỹ từ trước”, ông Lâm cho biết.
Thị trường đang từng bước hé cửa, nguồn khách chưa dồi dào, ở thời điểm hiện tại, hầu hết môi giới hoạt động dựa trên lượng khách quen duy trì theo năm tháng. Nhiều môi giới đã bỏ nghề, những người bám trụ lại đang loay hoay học cách thích nghi với một cuộc sống mới.