10/02/2021 3:00 PM
CafeLand - Thu nhập hậu hĩnh, môi trường làm việc năng động là một trong những lý do khiến môi giới bất động sản luôn là một nghề hấp dẫn, đặc biệt với những bạn trẻ. Tuy nhiên, để tồn tại và làm giàu được với nghề này thì không phải ai cũng làm được.

Nghề của những tay ngang

Năm 2016, Phương tốt nghiệp đại học chuyên nghành sư phạm mầm non. Với tấm bằng loại giỏi trong tay, cô gái Huế tự tin tìm kiếm một công việc đúng với chuyên ngành mình học. Phương đến Đà Nẵng và tìm được công việc tại một trường mầm non.

Thế nhưng, ngay ngày làm việc đầu tiên, cô giáo trẻ gặp sự cố chưa từng có trên sách vở. Giờ ăn trưa, một bé không hiểu vì sao nôn ói khiến Phương cũng nôn theo. Với nhiều cô giáo khác, đó là chuyện rất bình thường, nhưng với Phương thì dù đã rất cố gắng nhưng cứ mỗi lần trò ói là cô cũng ói theo, xâyxẩm mặt mày. Phương bỏ việc bởi lý do mà cô chưa từng nghĩ đến.

Năm 2017, Phương vào TP.HCM với hyvọng tìm được việc làm phù hợp hơn. Cô ở ghép với một chị mới quen trong căn phòng trọ chật hẹp giá 400 ngàn mỗi người một tháng. Người chị chung phòng là một môi giới bất động sản – Phương lần đầu tiên nghe và cũng không mấy quan tâm.

Mỗi sáng, trong khi Phương phải tìm kiếm thông tin để gửi hồ sơ xin việc, người bạn cùng phòng lại lịch lãm trong bộ vest đen đi làm. Khi mối quan hệ thân thiết, người chị cũng bắt đầu chia sẻ với Phương nhiều hơn về công việc của mình. Trong đó, những câu chuyện về anh này, chị kia kiếm mỗi tháng vài chục đến cả trăm triệu đồng từ tiền hoa hồng môi giới đặc biệt kích thích cô gái trẻ.

“Trong khi chưa có việc làm, lại mong muốn tìm hiểu một công việc mới thú vị tại sao mình không thử đi làm môi giới bất động sản”, Phương nói về cái duyên đến với nghề.

Môi giới bất động sản là nghề của những tay ngang

Năm 2015, Bá Dũng đang là chuyên viên công nghệ thông tin của một công ty bất động sản có trụ sở tại quận 3, TP.HCM. Chuyên môn chính của anh là quản trị website, maketing, chạy từ khoá để tìm kiếm khách hàng cho công ty. Một công việc ổn định cùng khoản thu nhập tốt.

Giai đoạn 2015 – 2017, thị trường bất động sản bùng nổ mạnh mẽ sau thời kỳ đóng băng. Phân khúc căn hộ trên dưới 1 tỉ đồng là hàng “hót” ở thời điểm đó. Hàng loạt dự án mở bán và nhanh chóng cháy hàng chỉ sau vài ngày. Thị trường sôi động, nghề môi giới bất động sản cũng thăng hoa. Dũng chứng kiến nhiều anh em môi giới trong công ty có thu nhập lên đến hơn trăm triệu mỗi tháng.

Dũng thầm nghĩ, bản thân cũng có lợi thế về ngoại hình, biết ăn nói, có đôi chút kiến thức về thị trường bất động sản lại hiểu biết về các kênh tìm kiếm khách hàng.

Vài tháng sau, Dũng vẫn làm việc ở công ty nhưng không phải là nhân viên công nghệ thông tin mà là một chuyên viên tư vấn bất động sản.

Theo thống kê từ Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Trong ba năm gần nhất, mức độ tăng trưởng của môi giới bất động sản trên thị trường đạt trung bình khoảng 15%. Tuy nhiên, trong số 300.000 môi giới kể trên, chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề, còn lại đều hoạt động tự do.

Nghề môi giới bất động sản là một khái niệm tương đối mới tại thị trường bất động sản Việt Nam. Hiện nay, rất ít trường đại học, cao đẳng có ngành đào tạo chính chuyên về môi giới bất động sản. Do đó, phần lớn những người được gọi là môi giới bất động sản đều là người tay ngang từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nghề môi giới đặc biệt hấp dẫn với các lao động trẻ là sinh viên mới ra trường bởi các công ty tuyển dụng liên tục và yêu cầu cũng không quá cao. Nghề này cũng được gắn liền với những hình ảnh sang trọng, đẳng cấp và các khoản lương thưởng đáng mơ ước, do đó có rất nhiều người chấp nhận từ bỏ công việc ổn định để thử sức.

Phía sau bức màn nhung

Tháng 5/2017, Phương được nhận vào làm nhân viên môi giới tại một tập đoàn bất động sản lớn. Sau vài buổi đào tạo nội bộ về nội quy tập đoàn, cách tiếp cận khách hàng, dòng sản phẩm… cô bắt đầu công việc.

Gọi điện thoại cho khách là công việc đầu tiên của một nhân viên mới. Những cuộc gọi đầu tiên không hề dễ chịu. Trái với giọng nói ân cần, ngọt ngào của Phương thì khách hàng lại là những lời cáu gắt, khó chịu thậm chí chửi rủa.

“Ban đầu cũng sốc nhưng rồi chai dần. Gọi miết thì mình có kinh nghiệm hơn, chỉ tập trung vào những khách tiềm năng và có nhu cầu thông tin mình có”, Phương nhớ lại.

Mỗi ngày, cuốn sổ dày hơn 100 trang ghi dày số điện thoại của khách hàng Phương không bỏ sót một ai. Cố gắng là vậy, nhưng suốt 3 tháng đầu tiên cô không có nổi một giao dịch.

Nếu theo đúng quy định của công ty, môi giới sau hai tháng không có giao dịch thì một là tự nghỉ hai là công ty sa thải. Thế nhưng nhìn cuốn sổ đã nhàu nát của Phương, trưởng phòng không nỡ đuổi mà còn động viên cố gắng hơn.

Không có giao dịch, khoản thu nhập 4 triệu đồng khiến cuộc sống của Phương càng chật vật. Những bữa cơm đạm bạc, có tuần chỉ ăn toàn mì tôm nhưng chưa bao giờ dập tắt nổi ý chí của cô.

“Lúc chưa làm thì chưa biết, nhưng làm rồi thì cảm thấy thích và máu lửa hơn. Mỗi ngày không gọi điện cho khách là cảm thấy khó chịu”, Phương nói.

Phương không thể nào quên, những buổi trưa nắng muốn bể đầu, mồ hôi nhễ nhãi đứng phát tờ rơi dọc các ngã tư đường. Nhiều hôm còn bị lực lượng chức năng đuổi không cho phát. Những buổi tối thấp thỏm cùng đồng nghiệp ôm các mẫu quảng cáo để đi treo trên các cột điện, cây xanh. Đôi tay mềm mại của một cô giáo mầm non ngày nào trở nên phồng rộp.

Những nỗ lực đó giúp Phương dần ổn định. Những giao dịch thành công liên tiếp càng giúp cô tự tin hơn cùng với đó là mức thu nhập tăng dần.

Dễ vào nhưng để tồn tại được với nghề môi giới bất động sản trải qua nhiều truân chuyên

Có lợi thế hơn Phương khi từng hơn một năm làm việc trong môi trường công ty bất động sản, lại có kiến thức về tìm kiếm khách hàng qua các ứng dụng công nghệ nên bước đi ban đầu của Dũng ít chông chênh hơn.

Tuy nhiên, không dễ để có một giao dịch thành công. Cứ khoảng 20 cuộc gặp gỡ trực tiếp thì may mắn Dũng mới có thể chốt được một giao dịch. Nghề này đòi hỏi nhiều thứ hơn Dũng tưởng, bởi không chỉ cần kỹ năng nói chuyện, kiến thức bất động sản mà còn phải tích hợp được càng nhiều thông tin càng tốt.

“Môi giới tiếp xúc với đủ hạng người từ mọi lĩnh vực. Nếu gặp một kỹ sư xây dựng bạn cũng nên có một vài thông tin về ngành nghề này, gặp một bác sĩ thì phải có ít nhiều thông tin về lĩnh vực y tế… do đó, môi giới đòi hỏi phải cập nhật kiến thức liên tục”, Dũng chia sẻ.

Những ngã rẽ

Chỉ sau hai năm làm môi giới bất động sản, Phương khiến nhiều người ngạc nhiên bởi phong thái đĩnh đạc hơn hẳn tuổi của cô. Những trải nghiệm cũng giúp cô có cái nhìn đa chiều hơn về nghề.

“Trong 100 người thì chỉ chưa đến 10 người là có thu nhập tốthoặcgiàu có. Còn lại chỉ làng nhàng. Nghề này vào rất dễ nhưng ra cũng ào ào. Vậy nên, các công ty liên tục tuyển dụng”, Phương cho biết.

Nữ giới theo nghề này có ngoại hình là một ưu thế nhưng nếu không tỉnh táo rất dễ sa ngã. Đặc biệt, với những phân khúc bất động sản cao cấp, đối tượng khách hàng là các đại gia thìcàng có nhiềucám dỗ khó cưỡng.

Những câu chuyện về nữ môi giới sẵn sàng “chiều” khách để có thể bán được sản phẩm có hoa hồng vài trăm triệu. Có người còn được khách tặng quà đắt tiền, thậm chí là cả căn nhà tiền tỉ không phải hiếm. Nhưng rồi cũng có những vụ đánh ghen long trời lở đất mà người tủi hổ cuối cùng là nữ môi giới.

Môi trường làm việc không phải lúc nào cũng lý tưởng. Những đấu đá nội bộ giữa các cấp lãnh đạo, tranh giành khách đến đổ máu giữa môi giới với nhau là những thứ mà không phải ai cũng biết. Có những doanh nghiệp nợ tiền lương, tiền hoa hồng hàng tháng trời khiến anh em môi giới chỉ biết khóc ròng.

Đầu năm 2019, Phương quyết định nghỉ việc ở công ty để ra làm một môi giới tự do chuyên về mua bán thứ cấp. Đây là hướng đi được nhiều môi giới lựa chọn sau một quá trình tích luỹ kinh nghiệm, mối quan hệ ở công ty.

Môi giới tự do có một số lợi thế như là không bị gò bó về thời gian, không quá cạnh tranh, có thể thương lượng về tiền hoa hồng, không phải trả thuế…Tuy nhiên, hướng đi này cũng không ít chông gai. Chẳng hạn, làm sao để thuyết phục, tạo niềm tin với khác hàng, không dễ để người mua tin tưởng ngay lần đầu tiên. Thứ hai phải chủ động tìm kiếm giỏ hàng để phân phối. Thứ ba làm việc không có công ty bảo vệ môi giới cũng rất dễ gặp phải “tai nạn”.

Phương kể, có lần đã thoả thuận xong một giao dịch, bên bán đồng ý sẽ trả tiền hoa hồng. Tuy nhiên, đến ngày ký công chứng, bên bán “lật kèo” không trả khiến Phương khóc cạn nước mắt. Dù bên mua cũng đã năn nỉ giúp Phương nhưng người bán tỉnh bơ quả quyết nếu không mua thì không bán nữa.

“Người bán tính toán cả rồi, bên mua dù thương mình nhưng trước đó đã đặt cọc, giờ không mua coi như mất cọc”, Phương nói.

Sau lần đó, Phương có kinh nghiệm hơn. Mọi thoả thuận trong quá trình giao dịch đều được nghi âm, lưu tin nhắn, soạn sẵn hợp đồng để tránh rủi ro. Những khi có một giao dịch sắp hoàn thành thì buổi tối hôm đó cô vẫn không thể nào chợp mắt. Thậm chí, sát giờ ký công chứng nhưng chỉ một tin nhắn, một cuộc điện thoại cũng khiến Phương thấp thỏm.

Gần hai năm làm việc tự do, những tai nạn như vậy không còn xuất hiện, nhưng Phương vẫn có nhiều lần “mất ăn” do bị môi giới khác nẫng tay trên. Lúc đầu Phương còn bực bội nhưng dần dần cô điềm tĩnh hơn và ngộ ra được nhiều điều.

“Sau những vụ lật kèo hay bị cướp khách mình đều bình tâm hơn và xem đó như cái duyên. Nếu thực sự duyên của mình thì mình làm, không thì thôi. Nhờ suy nghĩ tích cực như vậy nên thấy mọi chuyện nhẹ nhàng”, Phương tâm niệm.

Với Dũng, sau 4 năm làm môi giới bất động sản trong công ty anh cũng bắt đầu nhen nhóm ý định “ra riêng”. Dũng nhận thấy các công ty bán hàng thường không nói ra hết sự thật, rao bán sản phẩm với mức giá quá cao, nhân viên chỉ được làm theo chỉ đạo từ cấp trên. Dũng mong muốn được làm chủ, được tự xây dựng kế hoạch và phân phối những sản phẩm hợp lý theo suy nghĩ của mình.

Cuối năm 2018, Dũng cùng với một người bạn khác đứng ra thành lập công ty môi giới đóng trụ sở tại quận 9. Khởi đầu của một doanh nghiệp non trẻ trập trùng khó khăn. Từ chi phí quản lý, tiền lương cho nhân viên, mặt bằng, tìm nguồn hàng giá tốt khiến chàng giám đốc trẻ đau đầu.

Đây cũng là giai đoạn thị trường rơi vào khó khăn khi nguồn cung khan hiếm. Thay vì chiến lược chỉ tập trung dòng sản phẩm căn hộ thì công ty phải đa dạng cả nhà phố và đất nền. Thị trường TP.HCM “đứng bánh” nên ông giám đốc cũng phải tìm mọi cách để có thể mở rộng giỏ hàng ở các tỉnh.

“Làm thuê khó một, thì làm chủ khó mười. Nhưng ngược lại, thành công thì làm thuê được một, làm chủ được mười”, Dũng nói.

Môi giới có làm giàu được không?

Những ngày cuối năm 2020, trên trang cá nhân của Phương, bên cạnh những thông tin về nhà đất quen thuộc thỉnh thoảng còn xuất hiện các mẩu quảng cáo bán yến sào tẩm bổ sức khoẻ. Phương cho biết, đây là cách cô “tăng gia” để kiếm thêm thu nhập.

“2020 là một năm cực kỳ khó khăn với môi giới bất động sản. Nhiều người mất việc do công ty đóng cửa, một lượng lớn bỏ nghề. Những ai muốn bám trụ thì phải kiếm thêm kèo phụ để có thu nhập”, Phương nói.

Với Dũng, năm qua cũng là quảng thời gian khó khăn nhất kể từ khi lập công ty. Nhân sự lúc cao nhất hơn 30 người thì này chỉ còn 10 anh em. Công ty cũng tạm thời chuyển trụ sở xuống Bình Dương để vừa gần dự án đang phân phối vừa cắt giảm chi phí.

Nghề môi giới bất động sản mang lại nhiều giá trị chứ không chỉ là những khoản thu nhập hấp dẫn

Theo thống kê từ Hiệp hội môi giới Bất động sản Việt Nam, trong năm 2020 có những thời điểm có đến 800/1.000 sàn môi giới bất động sản trong cả nước phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết dịch bệnh Covid khiến hoạt động bán hàng bị gián đoạn, giao dịch giảm mạnh… trong khi doanh nghiệp phải chịu nhiều chi phí như tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên, quảng cáo tiếp thị. Do đó, nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ phải cắt giảm nhân sự, tạm ngưng hoạt động.

Nhìn về năm 2021, cả Phương và Dũng đều cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có thêm một năm sóng gió. Môi giới bất động sản sẽ vẫn có người ở, nguời đi nhưng với những ai tâm huyết đây vẫn là mảnh đất hấp dẫn và có thể làm giàu.

Sau 4 năm lăn lộn với nghề môi giới, thành quả của Phương là khoản tích luỹ gần 500 triệu đồng, cô còn hỗ trợ 300 triệu đồng giúp ba mẹ xây dựng lại căn nhà ở quê. Khoản tiền đó với nhiều người chẳng thấm vào đâu, nhưng ở tuổi 24, Phương tự hào xem đó là sự “giàu có” của riêng mình.

Với Dũng, khi hỏi anh đã giàu hay chưa, vị giám đốc trẻ chỉ mỉm cười. Bởi theo anh, khái niệm giàu có ở mỗi ngành nghề và mỗi người đều rất khác nhau.

Nhiều người cho rằng, tiền bạc là thước đo của sự giàu có. Nhưng bản thân anh,quan niệm giàu có còn thể hiện ở nhiều góc cạnh khác nhau. Từ khi còn là một nhân viên môi giới cho đến khi làm chủ một doanh nghiệp, cái Dũng học được nhiều nhất là những bài học kinh nghiệm cả thành công lẫn thất bại mà không phải ai cũng dám thử.

“Một nền tảng kiến thức tốt, mối quan hệ rộng rãi và bản lĩnh vững vàng là sự giàu có mà nghề mang lại cho mình. Khi có được tất cả những điều đó thì tiền bạc sẽ tự đến”, Dũng tâm niệm.

  • Môi giới bất động sản: Nghề dễ vỡ mộng

    Môi giới bất động sản: Nghề dễ vỡ mộng

    CafeLand - Nhiều người trong cuộc cho biết có đến 80% nhân sự môi giới bất động sản sẽ chọn một công ty khác chỉ sau một năm làm việc. Nghề môi giới nhìn có vẻ dễ dàng, nhưng đó là một trong những công việc khó khăn nhất. Chẳng vậy mà không ít người đvỡ mộng và sớm “bỏ cuộc chơi”.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.