09/06/2015 7:35 AM
Sau 5 năm thực hiện, dự án chỉ mới hoàn thành được 47%. Với việc chậm tiến độ như hiện nay, có khả năng dự án sẽ bị đội giá

Xa lộ Hà Nội, đoạn từ cầu Rạch Chiếc (quận 2, TP HCM) đến ngã ba Tân Vạn (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), được đánh giá là tuyến đường huyết mạch dẫn vào trung tâm TP HCM và cảng Cát Lái. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, đến nay dự án vẫn còn nhiều vướng mắc.

Thi công “da beo”

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, xa lộ Hà Nội, từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Tân Vạn có nhiều đoạn thi công kiểu “da beo”. Đặc biệt, đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến ngã ba Tân Vạn, nhiều khu vực dù đã được giải phóng mặt bằng nhưng vẫn để không. Trong khi đó, đoạn đường này đang xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đang gặp nhiều vướng mắc Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Báo cáo của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII, đơn vị thi công công trình mở rộng xa lộ Hà Nội) cho biết dự án được thực hiện từ tháng 4-2010 nhưng đến nay chỉ mới đạt 47% tổng khối lượng. Cụ thể, đã hoàn thành toàn bộ trục đường chính, đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao thông cổng chính ĐHQG với chiều dài 11,65 km và đoạn trục đường song hành phải trên địa bàn quận 2 (từ Metro An Phú đến cầu Rạch Chiếc), dài khoảng 2,2 km. Đơn vị này đang thi công một số đoạn thuộc đường song hành phải trên địa bàn quận 9.

Về hạng mục nút giao thông tại cổng chính ĐHQG, Khu Quản lý Giao thông đô thị (KQLGTĐT) số 2 đang triển khai thi công 2 đường song hành 2 bên, khi hoàn thành mới phân luồng giao thông từ đường chính vào đường song hành để tạo rào chắn đường chính, tiến hành thi công đào hầm và làm cầu vượt. Ngoài ra, KQLGTĐT số 2 cũng đang điều chỉnh thiết kế, dự toán các gói thầu còn lại. Sau khi thực hiện xong điều chỉnh thiết kế, dự toán, KQLGTĐT số 2 sẽ bàn giao các gói thầu chưa thực hiện cho CII để tiếp tục thực hiện.

Giải thích nguyên nhân chậm trễ trên, lãnh đạo CII cho biết đoạn từ đường vào Công ty 621 đến ngã ba Tân Vạn có 284 hộ dân bị ảnh hưởng nhưng chỉ 97 hộ bàn giao mặt bằng, số còn lại phải cần đến 1.400 tỉ đồng để bồi thường nhưng chưa có nguồn vốn. Đoạn qua địa bàn quận 2 cũng chưa có mặt bằng vì còn vướng thi công lát gạch vỉa hè và trồng cây xanh đường song hành gần cầu Rạch Chiếc. Còn đoạn qua quận Thủ Đức, dù đã được bàn giao đầy đủ mặt bằng nhưng trùng với mặt bằng thi công tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên nên phải chờ xong thì mới thi công được.

Đến 2016, liệu có hoàn thành?

Trước những vướng mắc trên, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân vừa có buổi làm việc với lãnh đạo UBND các quận 2, 9 và Thủ Đức cùng đại diện CII để tìm hướng giải quyết.

Ông Lê Hoàng Quân cho rằng tiến độ hiện tại của dự án mở rộng xa lộ Hà Nội là quá chậm, trong đó nguyên nhân chính là do chậm trễ giải phóng mặt bằng, dù cơ chế đã được TP phê duyệt từ lâu. Từ đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu UBND quận 9 đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, chậm nhất là đến tháng 9-2015 phải bàn giao cho chủ đầu tư để thi công, đồng thời ấn định thời gian hoàn thành dự án là vào giữa năm 2016 để tránh đội giá. “Ngay sau khi bàn giao mặt bằng, CII phải tiến hành thực hiện dự án ngay theo hình thức cuốn chiếu” - ông Quân chỉ đạo.

Tại buổi làm việc, đại diện CII đề xuất dự kiến đến quý IV/2018, thời gian thu phí của dự án cầu Rạch Chiếc sẽ kết thúc và xin bắt đầu thu phí dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Đặc biệt, CII còn kiến nghị lãnh đạo UBND TP cho đơn vị này bỏ ra 1.400 tỉ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án thuộc địa bàn phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An và bổ sung phần chi phí vào tổng mức đầu tư của dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội để kịp tiến độ. Chủ tịch Lê Hoàng Quân không đồng ý vì đây là địa bàn của tỉnh Bình Dương nên phía CII bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng sau đó tính vào việc thu phí ở TP HCM là không phù hợp.

Theo CII, nếu được bàn giao mặt bằng, đoạn thuộc nút giao thông cổng chính ĐHQG dài 1,8 km dự kiến thi công vào tháng 10-2015, hoàn thành vào tháng 12-2016. Đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương, dài 2,2 km, đang chờ xin chủ trương của UBND TP, nếu triển khai thì dự kiến sẽ thi công vào tháng 10-2015, hoàn thành vào tháng 12-2016. Riêng trục đường song hành, đoạn trên địa bàn quận 9 dài 8 km, đang thi công, nếu tháng 9-2015 được tiếp nhận đủ toàn bộ mặt bằng thì hoàn thành vào tháng 12-2016…

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ đạo trong quá trình CII thi công thực hiện công trình, Sở Giao thông Vận tải phải thường xuyên giám sát, kiểm tra để bảo đảm chất lượng; tránh tình trạng lún, trồi nhựa như đường Mai Chí Thọ trong thời gian qua. “Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan lập ban nghiên cứu cây xanh, lựa chọn trồng những loại nào vừa bảo đảm mỹ quan đô thị vừa sạch đẹp và thân thiện môi trường” - ông Quân nhấn mạnh.

Tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng

Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội khởi công vào tháng 4-2010 với tổng mức đầu tư 2.286,8 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian thi công, chi phí sử dụng vốn và thuế GTGT), theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Dự án đi qua các quận 2, 9, Thủ Đức và thị xã Dĩ An; thời gian thi công dự tính 36 tháng kể từ khi nhận được mặt bằng.

Thành Đồng (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.